Phát huy thế mạnh về nam học trong điều trị hiếm muộn

5h27 | 28/10/2022

Các thầy thuốc Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội thăm khám cho bệnh nhân điều trị hiếm muộn. Ảnh: TRUNG HIẾU

QĐND - Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội thuộc Học viện Quân y là một trong những cơ sở điều trị hiếm muộn có uy tín của cả nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Đại tá, PGS, TS Quản Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghiên cứu công nghệ phôi (nay là Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội) khẳng định, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tập trung phát huy thế mạnh về nam học trong điều trị hiếm muộn, đáp ứng yêu cầu điều trị ngày càng cao của bệnh nhân, nhất là nam quân nhân…

Phóng viên (PV): Việc thành lập Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Đào tạo nghiên cứu công nghệ phôi mở ra cơ hội nào cho đơn vị, thưa đồng chí?

Đại tá, PGS, TS Quản Hoàng Lâm: Ngày 26-9-2017, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam có Quyết định số 1441/QĐ-TM về việc thành lập Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Đào tạo nghiên cứu công nghệ phôi. Đây là cơ hội lớn để đơn vị phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trên cả 3 hướng: Đào tạo đại học và sau đại học về công nghệ phôi; nghiên cứu khoa học chuyên ngành mô phôi; khám, điều trị hiếm muộn, theo hướng chuyên sâu, chất lượng, hiệu quả. Đơn cử như việc thành lập Khoa Nam học, Khoa Chẩn đoán di truyền thuộc Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi để đơn vị nghiên cứu chuyên sâu điều trị hiếm muộn cho nam giới…

Đại tá, PGS, TS Quản Hoàng Lâm: Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội là cơ sở thứ ba trong cả nước, là cơ sở đầu tiên của quân đội thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), với dấu mốc cháu bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp này vào năm 2002. Từ đó đến nay đã có hơn 4.200 cháu ra đời nhờ các biện pháp hỗ trợ sinh sản, trong đó hơn 2.000 cháu ra đời nhờ phương pháp IVF. Ngoài phương pháp IVF, hiện nay viện thực hiện nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, như: Chọc hút mào tinh, lọc rửa lưu trữ tinh trùng, trữ phôi, trữ lạnh trứng, bơm tinh trùng vào buồng tử cung… đạt tỷ lệ thành công chung khoảng 34,5%.PV: Lĩnh vực nam học là thế mạnh của viện trong điều trị hiếm muộn, đồng chí có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Đặc biệt, có thể khẳng định lĩnh vực nam học là một thế mạnh của Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội. Hiện nay, viện là địa chỉ duy nhất thực hiện kỹ thuật nuôi cấy tinh tử thành tinh trùng để tạo phôi trong ống nghiệm. Đây là phương pháp điều trị duy nhất và là niềm hy vọng cho những trường hợp hiếm muộn do người chồng không có tinh trùng. Đến nay, viện đã thực hiện thành công gần 50 ca điều trị hiếm muộn theo phương pháp này…

Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội cũng đã thực hiện tốt kỹ thuật vi phẫu để lấy tinh trùng từ tinh hoàn (micro TESE). Cùng với đó là kỹ thuật chẩn đoán di truyền tiền làm tổ nhằm sàng lọc bệnh trước khi chuyển phôi... Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập trung phát huy thế mạnh về nam học để đáp ứng tốt hơn yêu cầu điều trị, mang lại hạnh phúc cho gia đình bệnh nhân nói chung và gia đình quân nhân nói riêng, bởi hầu hết các trường hợp hiếm muộn của quân nhân là do nam giới…

PV: Thưa đồng chí, việc điều trị hiếm muộn cho quân nhân được viện thực hiện như thế nào?

Đại tá, PGS, TS Quản Hoàng Lâm: Chúng tôi luôn xác định điều trị hiếm muộn cho quân nhân là tình cảm, trách nhiệm của mình. Hiện nay tất cả các trường hợp điều trị hiếm muộn đều chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Để giảm bớt phần nào khó khăn cho quân nhân, thời gian qua, viện có chủ trương hỗ trợ chi phí khám, siêu âm và một số xét nghiệm thông thường đối với quân nhân khi điều trị hiếm muộn. Đặc biệt, viện đã tích cực, chủ động tham gia thực hiện kế hoạch “Hỗ trợ người hiếm muộn, vô sinh đang công tác trong quân đội” theo Hướng dẫn số 2318/HD-CT ngày 29-10-2015 của Tổng cục Chính trị. Theo đó, giai đoạn 2015-2017, viện cùng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị thẩm định về chuyên môn cho 1.432 trường hợp quân nhân hiếm muộn, trong đó điều trị kỹ thuật cao bằng phương pháp IVF cho 894 trường hợp, điều trị kỹ thuật trung bình (IUI) cho 284 trường hợp, điều trị bằng kỹ thuật đơn giản cho 203 quân nhân… Viện cũng đã tiếp nhận hàng trăm lượt gia đình quân nhân đến khám, điều trị và sao lục, hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ… Thời gian tới viện tiếp tục tham gia thực hiện kế hoạch này với những chủ trương, biện pháp thiết thực.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

PHƯƠNG HIỀN (thực hiện)

TIN MỚI