Chi phí TTTON tại Việt Nam hiện thuộc loại thấp nhất thế giới, trong khi tỷ lệ thành công khá cao. Hàng loạt công nghệ mới trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã được nghiên cứu ứng dụng thành công tại Việt Nam trong thời gian qua.
Ngày 25/7/1978, em bé thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) đầu tiên trên thế giới đã ra đời tại Anh Quốc. Ngày nay, TTTON đã được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới và mỗi năm có hơn 500.000 trường hợp TTTON được thực hiện. Ở các nước phát triển, các bé TTTON chiếm 2 - 5% trên tổng số trẻ sơ sinh hàng năm.
Tại Việt Nam, ngày 30/4/1998, ba em bé TTTON đầu tiên ở Việt Nam ra đời. Và hiện nay chúng ta đã có 12 trung tâm TTTON. Tính đến nay, đã có hơn 5.000 em bé ra đời từ kỹ thuật TTTON tại Việt Nam, với mức chi phí thuộc vào loại thấp nhất thế giới, trong khi tỷ lệ thành công khá cao.
Đông lạnh phôi bằng thủy tinh hóa
Kỹ thuật đông lạnh phôi bằng thủy tinh hóa chỉ bắt đầu được triển khai trên thế giới từ sau năm 2000. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á áp dụng thành công kỹ thuật này và đưa vào ứng dụng rộng rãi trong điều trị từ năm 2006, giúp làm giảm chi phí trữ lạnh phôi và tăng tỷ lệ sống của phôi sau rã đông. Trước đây, với kỹ thuật trữ phôi hạ nhiệt độ chậm, các trung tâm cần phải trang bị máy trữ phôi với chi phí gần 30.000 đô la Mỹ.
Nuôi trứng trưởng thành trong ống nghiệm (IVM)
Với kỹ thuật IVM, có thể được thực hiện TTTON mà không cần phải kích thích buồng trứng. Trứng sẽ được chọc hút từ các nang nhỏ có sẵn trên buồng trứng, sau đó nuôi trưởng thành ở bên ngoài, sau đó việc TTTON mới được thực hiện.
IVM mang lại hàng loạt lợi ích cho bệnh nhân: thuận tiện hơn, thời gian điều trị ngắn hơn, tiêm thuốc ít hơn, chi phí điều trị thấp hơn, kỹ thuật điều trị an toàn hơn.
Người ta ước tính, hiện nay, trên thế giới, có chưa đến 50 trung tâm TTTON thưc hiện thành công kỹ thuật IVM. Nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã mời các chuyên gia Việt Nam đến báo cáo về IVM tại các hội nghị chuyên ngành. Tuy nhiên, hiện chúng ta mới chỉ áp dụng IVM cho các trường hợp buồng trứng đa nang - với tỷ lệ thành công là 80 - 90% so với TTTON có kích thích buồng trứng.
Kỹ thuật nuôi trưởng thành tinh trùng
Công bố của Trung tâm công nghệ phôi thuộc Học viện quân y về việc nuôi tinh trùng trưởng thành trong môi trường bên ngoài cơ thể là một thành tựu mang lại hy vọng có con cho nam giới có bất thường nặng về quá trình sinh tinh.
Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng
Bình thường, đến giai đoạn phôi nang, phôi người phải thoát ra khỏi màng trong suốt (zona pellucida) bao quanh phôi, để có thể bám vào nội mạc tử cung và làm tổ, sau đó phát triển thành thai. Một tỷ lệ đáng kể phôi sau TTTON có thể gặp bất thường trong quá trình thoát màng, khiến hiện tượng phôi thoát màng diễn ra trễ hoặc thậm chí, phôi không thoát màng được. Điều này làm giảm tỷ lệ thành công của TTTON.
Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng được thực hiện bằng cách làm mỏng hoặc làm thủng màng trong suốt trước khi cấy phôi vào tử cung, giúp phôi thoát màng dễ hơn và nhanh hơn, qua đó làm tăng tỷ lệ làm tổ của phôi và tỷ lệ có thai.
Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng dung dịch Tyrode và tia laser bắt đầu áp dụng thành công ở Việt Nam từ năm 2008, tại Trung tâm IVF Vạn Hạnh (TP.HCM).
Nuôi cấy phôi ở nồng độ oxy thấp
Kể từ năm 2007, Trung tâm IVF Vạn Hạnh là nơi đầu tiên áp dụng nuôi cấy phôi thường quy với tủ cấy chuyên dụng kiểm soát được nồng độ oxy, giúp làm tăng chất lượng phôi và tỷ lệ có thai của TTTON.
Nuôi cấy phôi nang
Gần đây, một số trung tâm TTTON lớn ở Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu cải tiến hệ thống nuôi cấy phôi và triển khai thực hiện nuôi cấy phôi nang, với kết quả bước đầu rất khả quan.
Trữ lạnh mô tinh hoàn
Năm 2008, Trung tâm IVF Vạn Hạnh đã phối hợp với Bệnh viện Bình dân TP.HCM triển khai thành công kỹ thuật trữ lạnh mô tinh hoàn. Trước đây, với các trường hợp vô sinh nam không có tinh trùng sau khi chẩn đoán xác định là có tinh trùng trong tinh hoàn, bắt buộc phải mổ lấy tinh trùng vào mỗi lần chọc hút trứng - làm tăng chi phí điều trị và tăng nguy cơ biến chứng.
Việc trữ lạnh mô tinh hoàn thành công, ngoài ý nghĩa về mặt khoa học, đã cải thiện đáng kể các vấn đề hiện tại do phải hút tinh trùng hoặc sinh thiết tinh hoàn nhiều lần.
Nuôi cấy phôi trong môi trường sạch
Nhiều báo cáo trên y văn thế giới cho thấy các tác nhân ô nhiễm (vi sinh hay hóa học) ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi (giảm tỷ lệ thụ tinh, giảm phát triển phôi, giảm chất lượng phôi, giảm tỷ lệ có thai lâm sàng). Một số trung tâm TTTON mới ở Việt Nam như Bệnh viện An Sinh đã xây dựng thành công mô hình “phòng sạch” cho TTTON.
Sinh thiết phôi và chẩn đoán di truyền phôi
Tiến bộ gần đây nhất của các nhà khoa học Việt Nam trong chuyên ngành hỗ trợ sinh sản là xây dựng thành công quy trình chẩn đoán di truyền trên phôi người. Đây là đề tài khoa học cấp thành phố, do các nhà khoa học thuộc Đại học y dược, Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM (HOSREM) và Bệnh viện Vạn hạnh thực hiện. Các chương trình này giúp làm giảm số trẻ bất thường sinh ra đời.
Từ đầu thập niên 1990, các nhà khoa học Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu và thành công trong việc chẩn đoán di truyền trên phôi người ở giai đoạn trước khi làm tổ vào tử cung (PGD). Qua hơn 10 năm phát triển, kỹ thuật này đã được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới.
Đề tài nghiên cứu (PGD) đã được thông qua hội đồng khoa học của Sở khoa học công nghệ TP.HCM tháng 1/2009. Đến nay nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình chẩn đoán các bất thường về lệch bội thể nhiễm sắc ở phôi người (như hội chứng Down) và đang ở giai đoạn hoàn chỉnh các quy trình kỹ thuật.
ThS. BS. HỒ MẠNH TƯỜNG
(Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM)