CÂY SẢ

Cập nhật: 13h11 | 04/09/2013

Theo Đông y: Sả có tên là Hương mao, có vị the, cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm ra mồ hôi, sát khuẩn, chống viêm, hạ khí, thông tiểu, tiêu đờm để chữa đầy bụng, đái rắt, chân phù nề, chữa ho do cảm cúm...

CÂY SẢ

1. Tên gọi khác: Sả chanh, Cỏ sả, Cỏ chanh, Hương mao.

 2. Tên tiếng Anh: Lemon grass, lemongrass, oil grass, silky heads, citronella grass. 

 

3. Tên khoa học: Cymbopogon citratus (DC.Stapf, 1906.

- Tên đồng nghĩa: Andropogon citratus.

Phân loại khoa học

Giới (Kingdom):

Thực vật (Plantae)

Ngành (Division):

Thực vật có hoa (Angiosperms)

Lớp (Class):

Thực vật 1 lá mầm (Monocots)

Phân lớp (Subclass):

Cây hạt kín (Commelinids).

Bộ (Order):

Hòa thảo (Poales)

Họ (Family):

Hòa thảo (Poaceae)

Phân họ (Subfamily):

Panicoideae

Tộc (Tribe):

Andropogoneae

Phân tộc (Subtribe):

Andropogoninae

Chi (Genus):

Cymbopogon Spreng.(khoảng 55 loài)

Loài (Species):

Cymbopogon citratus 

Các loài quan trọng trong chi sả gồm:

1- Cymbopogon ambiguus : Sả chanh Úc (bản địa của Úc).

2- Cymbopogon citratus : Sả ta hay sả chanh Tàu (bản địa Trung Quốc).

3- Cymbopogon citriodora : Sả chanh Tây Ấn Độ (bản địa Ấn Độ).

4- Cymbopogon flexuosus: Sả Đông Ấn Độ (bản địa Ấn Độ).

5- Cymbopogon martinii : Sả Palmarosa.

6- Cymbopogon nardus : Cỏ Sả Thái (Ta-khrai Hom).

7- Cymbopogon Proximus : Sả Ai Cập.

8- Cymbopogon schoenanthus: Sả hoang mạc (miền Nam Châu Á và Bắc Phi).

4. Phân bố

 Chi sả Cymbopogon (lemongrass) là một Chi với khoảng 55 loài (species) sả khác nhau, có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Cựu thế giới, thuộc Châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á, Đông Á và Australia. Trong đó loài phổ biến nhất ở Trung Quốc và vùng Đông Nam Châu Á là loài Sả ta hay Sả Tàu (Cymbopogon citratus) có nguồn gốc từ Trung Quốc và phân bố rộng rải ở các nước vùng Đông Á và Đông Nam Á.

Hiện nay nhiều loài sả cao sản được trồng ở khắp các nước nhiệt đới, và ôn đới ở cựu và tân thế giới, ngoài công dụng làm rau gia vị, cây sả còn được trồng để chiết xuất tinh dầu dùng trong thực phẩm, y học , thuốc Bảo vệ thực vật và mỹ phẩm.

Cây sả được trồng ở khắp các vùng miền của Việt Nam. Ở miền nam có các tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng...

5. Mô tả

+ Thân: Sả là một loại cây thân thảo, thuộc họ Hòa thảo. Thường mọc thành từng bụi cao khoảng 1-1,5m (tùy theo dinh dưỡng trong đất nhiều hay ít hoặc cách chăm sóc tốt hay xấu). Thân có mầu trắng hoặc hơi tím, có nhiều đốt.

+ Rể: Sả có kiểu rể chùm, mọc sâu vào đất, rể phát triển mạnh khi đất tơi, xốp.

+ Lá: Lá hẹp dài, mép lá hơi nhám. Bẹ lá ôm chặt với nhau rất chắc, tạo thành một thân giả (mà ta thường gọi là củ). Sả đẻ chồi ở nách lá tạo thành nhánh như nhánh lúa. Với cách sinh sản này từ một nhánh trồng ban đầu về sau chúng sẽ sinh sôi ra nhiều nhánh tạo thành một bụi sả (giống như bụi lúa). Trong lá có nhiều tinh dầu, dược dùng làm nguyên liệu cất tinh dầu cùng với thân (bó bẹ lá).

6. Thành phần hóa học:

Các thành phần hóa học chính của tinh dầu sả là geraniol và citronellol có tác dụng sát trùng. Nó chứa 65-85%  thành phần citral và hoạt động như myrcene, có tác dụng kháng khuẩn và làm thuốc giảm đau citronellol và geranilol. 

Dầu sả được chưng cất và làm mát để tách dầu ra khỏi nước. Hydrosol là một sản phẩm của quá trình chưng cất, là nguyên liệu để tạo ra kem dưỡng da, dầu thơm dược phẩm và mỹ phẩm và đặc biệt dùng trong công nghệ sà phòng thơm có tính sát khuẩn.

7. Công dụng

+ Theo Đông y: Sả có tên là Hương mao, có vị the, cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm ra mồ hôi, sát khuẩn, chống viêm, hạ khí, thông tiểu, tiêu đờm để chữa đầy bụng, đái rắt, chân phù nề, chữa ho do cảm cúm...Toàn cây có mùi thơm đặc biệt. Ngoài được dùng làm rau ăn, gia vị (nhân dân thường dùng ăn sống hoặc tẩm ướp cho thơm các món ăn) cây sả còn là vị thuốc chữa bệnh rất hữu hiệu. Bộ phận dùng làm thuốc là lá, rễ sả dùng tươi, phơi hay sấy khô.

+ Theo Tây y: Cây sả mới được nhập vào Châu Âu và Châu Mỹ trong thời gian gần đây và dược tính của nó nhanh chóng được nghiên cứu và khai thác.

Trong y học dân gian của Brazil cho là tinh dầu sả đã giải được lo âu, trầm cảm và là thuốc chống co giật, nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. các nghiên cứu ở Brazil trong phòng thí nghiệm đã cho thấy tinh dầu sả có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm. Citronellol là một thành phần tinh dầu từ các loài sả Cymbopogon citratus, C. winterianus và loài cây giống như sả (Lippia alba) được cho là có đặc tính chống huyết áp cao. Citronellol đã làm giảm huyết áp ở chuột nhờ vào tác động của tinh dầu sả vào cơ trơn làm giãn mạch. 

Trong một thử nghiệm khác kết luận tinh dầu sả (C. citratus) đã được sử dụng như một phương thuốc rẻ tiền để điều trị nấm miệng ở bệnh nhân HIV/AIDS.

Các bài thuốc từ cây sả

+ Các bài thuốc từ lá sả:

Lá sả: (Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác để chữa bệnh).

1- Trị chứng đầy bụng:

Lá sả, vỏ bưởi, hồi hương, trạch tả, mộc thông, cỏ bấc, mỗi vị 10g; quế 5g; bồ hóng, diêm tiêu, mỗi vị 2g; xạ hương 0,05g. Tất cả sắc cách thủy với 200ml nước trong 15 - 30 phút, chia uống làm hai lần trong ngày. Nên uống sau bữa ăn trưa và tối. Uống trong 2 ngày.

Lưu ý: Trong quá trình điều trị không nên đồ nếp và muối mặn. (Theo Bác sĩ  Nguyễn Huyền-suckhoedoisong).

2- Thuốc xông giải cảm: 

Lá sả, lá bưởi, lá chanh, cúc tần, hương nhu hoặc lá bạch đàn (có thể thêm tía tô, bạc hà, kinh giới), mỗi thứ 50g, cho vào nồi, đậy kín, đun sôi trong 5-10 phút. Lấy ra, mở vung, trùm chăn xông hơi cho ra mồ hôi, lau khô, rồi uống một bát nước thuốc, đắp chăn, nằm nghỉ. (Theo Bác sĩ  Nguyễn Huyền-suckhoedoisong).

3- Chữa phù nề chân, đái rắt: 

Lá sả 100g, rễ cỏ xước, rễ cỏ tranh hoặc bông mã đề, mỗi thứ 50g. Tất cả rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Dùng 3 - 4 ngày. (Theo Bác sĩ  Nguyễn Huyền-suckhoedoisong).

4- Làm sạch gàu, trơn tóc: 

Lá sả, hương nhu, lá bưởi..., mỗi vị 30g, rửa sạch đun với nước, để ấm gội đầu. Mỗi tuần nên gội 2 lần. Nước gội đầu có vị sả không những làm thơm tóc, sạch gầu mà còn tránh những bệnh về tóc và da đầu. (Theo Bác sĩ  Nguyễn Huyền-suckhoedoisong).

+ Các bài thuốc từ rể sả

Rễ sả: (Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với vị thuốc khác).

5- Chữa tiêu chảy do lạnh bụng:

 Rễ sả 10g; củ gấu, vỏ rụt, mỗi vị 8g; vỏ quýt, hậu phác, mỗi vị 6g tất cả đem sắc với 3 bát nước còn 1 bát, uống khi thuốc còn ấm nên uống vào buổi sáng. Dùng trong 2 ngày. Hoặc rễ sả 10g, búp ổi 8g, củ riềng già 8g, thái nhỏ, sao qua, sắc với 200ml nước còn lại 50ml, uống sau bữa ăn. (Theo Bác sĩ  Nguyễn Huyền-suckhoedoisong).

6- Chữa ho do cảm cúm: 

 Rễ sả, trần bì, sinh khương, tô tử, mỗi vị 200g, tất cả giã nát, ngâm với rượu 40 độ (200ml rượu); bách bộ bỏ lõi, thái nhỏ, sao khô 400g; mạch môn bỏ lõi 200g; tang bạch bì tẩm mật, sao vàng 200g, 3 vị thuốc này đem sắc cô đặc lại thành 250ml cao lỏng. Trộn lẫn cao lỏng và rượu ngâm thuốc. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 5-10ml. Uống trong 3 ngày. (Theo Bác sĩ  Nguyễn Huyền-suckhoedoisong).

Tin cùng chuyên mục