CÂY QUÝ MẦU (BỤP GIẤM)

Cập nhật: 13h11 | 04/09/2013

Theo Đông y: Ở Việt Nam nước hãm đài hoa cây quý mầu chứa nhiều acid hữu cơ có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, lọc máu, giảm huyết áp máu và kích thích nhu động ruột, lại có tác dụng kháng khuẩn và nhuận tràng. Lá cũng có tác dụng lợi tiểu, an thần và làm mát. Quả chống chứng scorbut...

CÂY QUÝ MẦU (BỤP GIẤM)

1. Tên gọi khác: Cây quế mầu, Cây bụp giấm, Cây bụt giấm. 

2. Tên tiếng Anh: Roselle, rosella /rosella fruit (Australian Eng.).

3. Tên khoa học: Hibiscus sabdariffa L.

- Các loài tương cận:

 

- Cây dâm bụt : H. cannabinus

Phân loại khoa học

Bộ (ordo):

Bông (Malvales)

Họ (familia):

Bông (Malvaceae)

Phân họ (subfamilia):

Bông (Malvoideae)

Chi (genus):

Bông bụp (Hibiscus)

Loài (species):

Hibiscus sabdariffa

4. Phân bố

Chi Dâm bụt, Chi Râm bụt hay Chi Phù dung (Hibiscus) là một chi lớn chứa khoảng 200-220 loài thực vật có hoa trong họ Cẩm quỳ hay Họ Bông (Malvaceae), có nguồn gốc ở khu vực ôn đới ấm, cận nhiệt đới và nhiệt đới ở cựu lục địa.

Cây Quý mầu hay cây Bụp giấm có tên tiếng Anh là roselle (Hibiscus sabdariffa) là cây dùng làm rau ăn được trong chi Hibiscus có nguồn gốc từ Tây Phi được giới thiệu đến vùng nhiệt đới khắp thế giới để trồng làm rau và làm thuốc.

Hiện nay loài cây này được trồng phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ và Úc.

Hiện nay loài cây này mọc hoang và được trồng trong khắp cả nước, đặc biệt ở Miền Nam trong đó có Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang... được trồng để lấy lá nấu canh chua rất phổ biến ở mọi gia đình vùng nông thôn.

5. Mô tả

Cây Quý mầu (Hibiscus sabdariffa) là một loài cây thân gổ nhỏ sống hàng năm hoặc lâu năm.

+ Thân: Thân cao 2-2,5 m, phân nhánh gần gốc, bóng, màu tím nhạt...

+ Lá: Các  sâu ba đến năm thùy, dài 8-15 cm , bố trí luân phiên trên thân cây.

+ Hoa: Hoa đơn độc, mọc ở nách, gần như không có cuống. Tràng hoa màu vàng hồng hay tía, có khi trắng, có một đài hoa mập mạp, rộng1-2 cm, dài 3-3,5 cm, có màu đỏ tươi như trái cây chín. Nó mất khoảng sáu tháng để trưởng thành. Cây ra hoa từ tháng 7 đến tháng 10.

+ Quả: Quả nang, hình trứng, có lông thô, mang đài màu đỏ sáng tồn tại, bao quanh quả.

+ Hạt: Màu đen, gần tròn và thô, chứa nhiều tinh dầu.

6. Thành phần hóa học

Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới, trong cây quý mầu chứa rất nhiều polysaccharid trong chất nhầy (có ở tất cả các bộ phận của cây đặc biệt là trong đài quả), chất HIB-3 là một polysaccharid có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, polysaccharid còn có tác dụng làm giảm cholesterol máu do đó ngăn ngừa và hạn chế sự béo phì do tích mỡ. Hai hợp chất flavonoid và cyanidin cũng có tỷ lệ cao trong thành phần cây có tính chống oxy hoá, bảo vệ thành mạch máu, giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch và ung thư. Các Vitamin C, A nhóm B, E...cùng nhiều loại axit hữu cơ khác cũng đã được tìm thấy trong cây quý mầu. Một số nhà nghiên cứu đã xác định tính chống co thắt, hạ huyết áp, kháng khuẩn, hạn chế sự tạo sỏi ở đường tiết niệu, chống lão hoá, chống mệt mỏi...

Trong cây quý mầu giàu anthocyanins, cũng như axit protocatechuic . 

Hoa chứa một chất màu vàng là flavonol glucosid hibiscitrin; hibiscetin; gossypitrin và sabdartrin.

Các đài hoa (calyces) khô có chứa flavonoids gossypetin , hibiscetine và sabdaretine. Các sắc tố trước đây báo cáo là hibiscin , đã được xác định là daphniphylline . Một lượng nhỏ myrtillin (delphinidin 3-monoglucoside),  Chrysanthenin (cyanidin 3 -monoglucoside), và  delphinidin  cũng có mặt. 

Các lá đài giàu acid và protein; các acid hữu cơ chính tan trong nước là acid citric, acid malic, acid tartric và acid hibiscus. Chúng cũng chứa gossypetin và chlorid hibiscin, chất sau này có tính kháng sinh.

- Quả khô chứa oxalat Ca, gossypetin, anthocyanin (có tác dụng kháng sinh) và vitamin C.

- Hạt chứa 7,6% nước, 22,3% dầu, 24% protein, 13,5% chất xơ, 7% chất khoáng. Hạt chứa chất chống oxy hóa hòa tan trong lipid, đặc biệt là gamma-tocopherol. Dầu hạt bụp giấm tương tự như dầu hạt  bông vải có tác dụng chống nấm và bệnh ngoài da. Dầu chứa vitamin và các chất béo không no, có tác dụng tốt đối với người cao tuổi và người kiêng ăn.

7. Công dụng

+ Theo Đông y

Ở Việt Nam

Nước hãm đài hoa cây quý mầu chứa nhiều acid hữu cơ có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, lọc máu, giảm huyết áp máu và kích thích nhu động ruột, lại có tác dụng kháng khuẩn và nhuận tràng. Lá cũng có tác dụng lợi tiểu, an thần và làm mát. Quả chống chứng scorbut...

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá có vị chua nhẹ, dùng làm rau ăn. Người ta thường dùng đài hoa có vị chua làm gia vị thay giấm, dùng chế nước giải khát, làm mứt. Có nơi dùng chế xi rô, hoặc đem phơi khô và nấu lên lấy nước uống. Lá dùng như chất thơm và cùng với đài hoa và quả dùng trị bệnh scorbut. Đài hoa mọng nước sắc lấy nước uống hay hãm uống giúp tiêu hoá và trị các bệnh về mật; cũng dùng trị bệnh về tim và thần kinh, huyết áp cao và xơ cứng động mạch.

Ở nước ngoài

- Hoa của cây quý mầu đã được sử dụng trong y học dân gian như một vị thuốc lợi tiểu, nhuận tràng nhẹ và điều trị cho các bệnh tim, thần kinh và ung thư.

- Toàn cây được xem là có tác dụng làm hạ huyết áp

- Ở Brazil cho rằng hoa cây quý mầu có tác dụng làm dể tiêu, làm giảm vị đắng của các rể cây dùng làm thực phẩm. Lá đun trong nước nóng dùng để đắp các vệ nứt trong lòng bàn chân và các vết đứt, loét để mau lành vết thương. Các hạt được làm thuốc lợi tiểu và thuốc bổ. Chất dầu màu vàng ép từ hạt khô để trị các vết loét trên da lạc đà.

- Ở Ấn Độ, nước sắc từ hạt khô được uống để giảm bệnh khó tiểu , bệnh đái từng giọt và các trường hợp nhẹ của chứng khó tiêu . 

- Ở Nam Mỹ và Châu Phi dùng hoa cây quý mầu để trị một số bệnh như cao huyết áp và các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên hiện chưa đủ bằng chứng để chứng để chứng minh tác dụng làm giảm lypid máu và huyết áp. Kết quả thực nghiệm vẩn còn mâu thuẫn. 

- Ở Đông Phi, lá đài hoa cây quý mầu được ép thành dịch, trộn với muối, tiêu để cải thiện bệnh túi mật (biliousness).

- Gần đây, Rovesti và Griebel công bố tác dụng chữa xơ vữa động mạch và tính kháng khuẩn đường ruột cao của cây quý mầu.

- Các nhà nghiên cứu Malaysia cho biết nước ép từ lá đài tươi của cây quý mầu có tác dụng bổ dưỡng và phòng ngừa bệnh ung thư.

- Ở Thái Lan, lá đài cây quý mầu phơi khô sắc uống là thuốc lợi tiểu mạnh để chữa sỏi thận.  Lá và cành chữa ho, hạt bổ dạ dầy.

- Ở Myanma, hạt cây quý mầu chữa suy nhược cơ thể, còn ở Đài Loan, hạt được dùng để làm nhuận tràng nhẹ, bổ và lợi tiểu.

- Ở Philippin, rễ cây quý mầu llà thuốc bổ và kích thích tiêu hoá.

+ Theo Tây y

- Theo tài liệu nước ngoài, những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh hoạt chất từ cây quý mầu có tính kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm, chống oxy hóa (sự già hoá của cơ thể), giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, tăng cường chức năng tiêu hoá, nhuận tràng, hạ huyết áp, làm giảm cholesterol trong máu, chống xơ vữa động mạch, giảm sự đọng lipit ở gan và bảo vệ tế bào gan.

- Cây quý mầu (Hibiscus sabdariffa) đã cho thấy hoạt tính kháng khuẩn in vitro chống lại E. coli. Một đánh giá gần đây cho rằng chiết xuất của cây H. sabdariffa có hoạt động chống xơ vữa động mạch , bệnh gan , ung thư , bệnh tiểu đường và hội chứng trao đổi chất khác. 

- Một nghiên cứu được công bố trong năm 2007 ở Trung Quốc, so trà cây quý mầu (Hibiscus sabdariffa L.) với thuốc lisinopril trên những người bị cao huyết áp. Trà làm giảm huyết áp (BP) từ 146.48/97.77 đến 129.89/85.96 mmHg, đạt mức giảm tuyệt đối ở 17.14/11.97 mmHg (11.58/12.21%, p <0,05).

- Tại Thái Lan, trà hoa quý mầu được chứng minh là có tác dụng làm giảm cholesterol

- Theo các nghiên cứu ở Việt Nam: Hai hợp chất flavonoid và cyanidin cũng có tỷ lệ cao trong thành phần cây có tính chống oxy hoá, bảo vệ thành mạch máu, giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch và ung thư. Các Vitamin C, A nhóm B, E...cùng nhiều loại axit hữu cơ khác cũng đã được tìm thấy trong cây quý mầu (Hibiscus sabdariffa L.). Một số nhà nghiên cứu đã xác định tính chống co thắt, hạ huyết áp, kháng khuẩn, hạn chế sự tạo sỏi ở đường tiết niệu, chống lão hoá, chống mệt mỏi...

- Đài và lá cũng được dùng làm thuốc nhuận gan, lợi tiểu. Dịch chiết nước đài hoa cây quý mầu đem tiêm vào mèo thí nghiệm  (không gây mê) cho thấy có tác dụng hạ huyết áp. Tác dụng này bị ngăn cản bởi atropin. Một chiết đoạn polysaccharit nụ hoa cây quý mầu tan trong nước có tính chất như pectin polysacharit làm chậm sự phát triển của khối u sarcoma 180 cấy ghép trên chuột.

- Dầu ép từ hạt cây quý mầu và chất không xà phòng hoá có tác dụng kháng sinh trên một số chủng vi khuẩn như Escherichia coli, Salmonella typhi, Bacillus subtilis, Coryne bacterium pyogenes, Staphylococcus aureus... và có tác dụng kháng nấm trên một vài loài nấm: aspergillus, trychophyton, cryptococcus…

+ Đài quả (các sản phẩm chính của cây) có thể được chế biến thành nhiều loại thực phẩm như: trà nhúng, rượu vang, xirô, ômai, mứt...

 

 Mới đây, Đại học Đà Nẵng cho biết một nghiên cứu vừa được thực hiện tại trường đã cho kết quả là dịch chiết từ đài hoa bụp giấm còn có khả năng kháng vi khuẩn E.coli, B.cereus và B.subtilis.

 

Tin cùng chuyên mục