MÓP GAI

Cập nhật: 15h6 | 04/09/2013

Theo Y học cổ truyền Việt Nam cho rằng thân rễ ráy gai có vị cay, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, tán ứ, được coi là vị thuốc hay. Ráy gai có thể chữa nhiều bệnh.

MÓP GAI

1. Tên gọi khác: Móp, Cừa , Ráy gai, Chóc gai, Dã vu, Hải vu, Sơn thục gai.

2. Tên khoa học: Lasia spinosa L.

3. Phân bố

Cây móp gai (Lasia spinosa) là loài thực vật có hoa trong họ Ráy (Araceae).

Loài này có nguồn gốc từ Châu Á, phân bố ở vùng ôn đới Châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Nam Triều Tiên và vùng nhiệt đới Châu Á như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Philippies và Indonesia.

Ngoài cây móp gai, Chi Lasia còn có một loài khác có hình dạng tương tự là loài  Lasia concinna được phát hiện ở Tây KalimantanIndonesia

Ở miền nam Việt Nam, móp gai có thể tìm thấy ở Cà mau, Sóc Trăng.

4. Mô tả

Móp gai là loại cây mọc hoang khắp nơi ở những vùng ẩm ướt, trên có tán che như ruộng nước, bờ ao, ven suối trong môi trường bán ngập nước.

+ Thân: Dạng thân bò phình to như củ, mọc trên mặt đất, mang nhiều sẹo lá và rể.

+ Rễ: Rễ to, ăn sâu, phát triển từ thân bò trên mặt đất.

+ Lá: Có cuốn dạng bẹ rời, trên mép và lưng cuốn có nhiều gai nhỏ, khi cuốn còn non gai mềm, khi cuốn lá già gai sắc nhọn. Lá dạng xẻ thùy với những lá chét có gốc lá rộng mọc gần đối xứng.

+ Hoa: Hoa vươn cao lên trên lá, có cuống hoa tròn, phá hoa là một khối dạng hình vùi trống mang đầy hoa chung quanh.

+ Quả: Quả dạng nang đơn, mỗi quả mang một hạt màu nâu hình gồ ghề.

Đọt non, phát hoa còn non, lá non kể cả cuốn và phiến đều làm rau ăn được. Thân, còn gọi là củ, được dùng làm thuốc.

5. Thành phần hóa học

Theo PROSEA (Hội Bảo tồn Tài nguyên thực vật của Đông Nam Á) thành phần hóa học của cây móp gai có đặc điểm như sau:

+Trong lá non giàu axit ascorbic, các chất khoáng và Vitamin, nên dùng làm rau ăn rất tốt. Ngoài polyphenol, a xít ascorbic cũng đóng góp vào các hoạt động chống oxy hóa (góp phần 34% - 56% chất chống oxy hóa trong cây móp gai). 

+Trong thân và rể cây móp gai có các thành phần:

Chất polyphenol có tác dụng chống oxy hóa.

Chất xơ chiếm 7,2-7,5% trọng lượng tươi và 40%-75% trọng lượng khô. Trong chất xơ có 4-18% chất xơ hòa tan.

Do đó thân và rể cây móp gai được dùng như thực phẩm chức năng chống oxy hóa và là vị thuốc với nhiều công dụng khác nhau.

6. Công dụng

Theo Y học cổ truyền Việt Nam cho rằng thân rễ ráy gai có vị cay, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, tán ứ, được coi là vị thuốc hay. Ráy gai có thể chữa nhiều bệnh.

Theo tây y thân và rể cây móp gai chứa nhiều chất polyphenol  và a xít ascorbic có tác dụng chống oxy hóa.

Các bài thuốc từ cây móp gai

1- Chữa lở ngứa ngoài da: Dùng cả cây móp gai hoặc phần thân rễ nấu nước tắm rửa rất hiệu quả. Ngày 1 lần (theo Bác sĩ Hoàng Xuân Đại đăng trên báo SK&ĐS).

2- Chữa trẻ nhỏ da lở loét do thai độc: Lấy cây ráy gai nấu nước rửa, sau rắc bột thân rễ lên chỗ da bị bệnh, rất hiệu quả (theo Bác sĩ Hoàng Xuân Đại đăng trên báo SK&ĐS).

3- Chữa viêm gan, xơ gan: Dùng 30g thân rễ ráy gai khô (tươi khoảng 100g); trái dứa dại khô 30g (tươi 100g); chó đẻ răng cưa khô 10g (tươi 30g). Cho các vị vào nấu với 2.000ml nước, đun nhỏ lửa khi nước còn 300ml thì chắt ra. Chia 3 lần uống trong ngày rất hiệu quả (theo dân gian dùng tươi tốt hơn hẳn khô) (theo Bác sĩ Hoàng Xuân Đại đăng trên báo SK&ĐS)..

4- Chữa tê thấp, lưng, gối cẳng chân tê buốt: Dùng thân rễ ráy gai 12g, cẩu tích 12g, kê huyết đằng 12g, kim cang 12g, ngưu tất 12g, tỳ giải 12g, sắc nước uống trong ngày. Cần dùng 5 - 7 thang liền (theo Bác sĩ Hoàng Xuân Đại đăng trên báo SK&ĐS).

5- Trị nám mặt do độc trong gan: Củ móp gai tươi thái mỏng, đổ nước vào nồi ngập xâm xấp, đun sôi rồi để nguội, dùng nước để uống như nước trà, uống liên tục trong nhiều ngày. Có thể dùng xác đã nấu để nấu lại lần hai (theo kinh nghiệm dân gian vùng Đồng Tháp Mười).

 6- Thanh nhiệt, giải độc: Củ móp gai rửa sạch, xắt mỏng, phơi khô rồi đem sao thủ thổ, dùng một nhúm nấu nước sôi, uống như nước trà (theo kinh nghiệm dân gian vùng Đồng Tháp Mười).

 

 

 

Tin cùng chuyên mục