LÁ LỐP

Cập nhật: 15h6 | 04/09/2013

Ngoài giá trị làm thức ăn và gia vị, từ lâu đời lá lốt đã được nhân dân ta dùng làm thuốc chữa thấp khớp và một số bệnh khác. Bộ phận được dùng làm thuốc là cả cây, thu hái lúc có hoa càng tốt.

LÁ LỐP

1. Tên gọi khác: Lá lốt (Miền Bắc). 

2. Tên tiếng Anh: Lolot, Lolot pepper, Poivrelolot.

3. Tên khoa học: Piper lolot C.DC.

-Tên đồng nghĩa:Piper lotlot L.

 

Phân loại khoa học

Bộ (ordo):

Hồ tiêu (Piperales)

Họ (familia):

Hồ tiêu (Piperaceae)

Chi (genus):

Hồ tiêu (Piper)

Loài (species):

Piper lolot

Lá lốp là cây thân thảo dây leo đa niên, có tên khoa học là Piper lolot thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae), họ này gồm các loài như trầu không, hồ tiêu v.v… Ở Nam Bộ gọi là "Lá lốp", ở Bắc Bộ gọi là “Lá lốt”, một số địa phương ở Miến Bắc còn gọi là "nốt".

4. Phân bố

Cây lá lốp có nguồn gốc từ Đông Dương. Được phân bố khắp vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới Châu Á. Hiện nay nó được giới thiệu đến Châu Mỹ và Châu Đại Dương.

Việc thực hành của gói thịt bầm trong lá nho để nướng có nguồn gốc ở Trung Đông, đã được đưa đến Ấn Độ bởi người Ba Tư, sau đó đã được giới thiệu bởi những người Ấn Độ đến khu vực Đông Nam Á . Tuy nhiên, nho không phát triển tốt ở vùng khí hậu nhiệt đới, do đó, người Việt Nam bắt đầu sử dụng lá lốp thay vì lá nho. Chính món thịt nướng lá lốp này từ Việt Nam phổ biến sang nhiều nước Đông Nam Á khác.

Người di cư Việt Nam đã giới thiệu loài cây này đến Hoa Kỳ và Australia nhằm mục đích làm rau và dược phẩm.

5. Mô tả

Cây lá lốp là thực vật dây leo thân thảo. Lúc còn nhỏ cây mọc đứng, cao 30-50 cm. Khi cây lớn có thân dài, bò trên giá đở là cành cây chết hay thảm thực vật vật sống.

+ Thân: Thân màu xanh lục sậm, phồng to ở các mấu, tiết diện tròn, mặt ngoài nhiều rãnh dọc, có lông ngắn và mịn, có chiều dài 3-4 m, có mùi thơm. Vi phẫu cắt ngang hình tròn với nhiều chỗ lồi nhỏ, vùng vỏ chiếm 1/5 diện tích vi phẫu, vùng trung trụ 4/5.

+ Rễ: Vi phẫu cắt ngang hình tròn, vùng vỏ chiếm 1/3 diện tích vi phẫu, vùng trung trụ chiếm 2/3.

+ Lá:  đơn, mọc cách. Phiến lá hình trứng rộng, đầu thót nhọn, gốc hình tim và không đối xứng, dài 10-12 cm, rộng 8-11 cm, rải rác có điểm trong, mặt trên nhẵn, màu xanh lục sậm và láng bóng, mặt dưới màu xanh lục nhạt và có lông mịn trên gân; mép lá nguyên; gân lá hình chân vịt với 5 gân gốc, gân ở giữa phân 2 gân bên so le hay đối nhau cách gốc lá một đoạn 5 mm, các gân đều cong hướng về ngọn lá; cuống lá dài 2-5 cm, hình trụ, lõm ở mặt trên, gốc cuống nở rộng. Lá kèm rụng sớm, hình tam giác, màu xanh lục, có 2 dạng: một phiến mỏng bao chồi hoặc là hai phiến mỏng, dài 1-1,5 cm, dính hai bên đáy cuống lá, khi rụng để lại hai sẹo dài màu nâu, dạng thứ hai thường gặp hơn.

+ Hoa: Cụm hoa là gié cái mọc đối diện với lá, hình trụ, màu trắng, dài 10-12 mm, đường kính 3 mm, mang hoa khắp cùng; trục cụm hoa nạc, đường kính 1 mm; cuống cụm hoa màu xanh lục, hình trụ, dài 10-12 mm, đường kính 1-2 mm, rải rác có lông mịn màu trắng. Hoa rất nhỏ, trần, đơn tính cái, xếp khít nhau và áp sát vào trục. Lá bắc là phiến tròn nhỏ, áp sát và trục, lúc đầu màu trắng sau chuyển hơi nâu. Lá noãn 3-4, dính nhau tạo thành bầu trên 1 ô đựng 1 noãn, đính noãn đáy; bầu hình trứng, màu trắng, mặt ngoài nhẵn, cao 1,5 mm, đường kính 1-2 mm; vòi nhụy gần như không có; đầu nhụy 3, có khi 4, hình trứng rộng, màu trắng.

+ Quả: Quả mọng chứa một hạt. Cây ra hoa, có quả vào mùa thu, từ tháng 8 đến 10.

6. Thành phần hóa học

Lá, thân và rễ chứa ankaloid và tinh dầu. Tinh dầu có 35 thành phần trong đó 25 thành phần đã được nhận dạng, thành phần chủ yếu là β-caryophylen. Rễ chứa tinh dầu, trong đó thành phần chính là bornyl acetate.

7. Công dụng

Ngoài giá trị làm thức ăn và gia vị, từ lâu đời lá lốt đã được nhân dân ta dùng làm thuốc chữa thấp khớp và một số bệnh khác. Bộ phận được dùng làm thuốc là cả cây, thu hái lúc có hoa càng tốt.

Theo Đông y, lá lốp có vị nồng, hơi cay, có tính ấm, chống hàn (như bị lạnh bụng), giảm đau, chống phong hàn ở mức thấp, tay chân lạnh, tê tê, nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu (có lẽ vì thế mà được dùng với thịt bò nướng vốn khó tiêu), hạ khí trừ hôi tanh, trị đau đầu vì cảm lạnh...

Theo nghiên cứu của Trường đại học dược Hà Nội, thành phần hoá học của lá lốp chủ yếu là tinh dầu (tỷ lệ 0,57%), piperin, piperidin. Kết quả thực nghiệm trên súc vật cho thấy nước ép lá lốp, cao lá lốp tươi và cao lá lốp khô đều có tác dụng kháng sinh, chống viêm rõ rệt trên súc vật gây viêm thực nghiệm.

Theo nghiên cứu về thảo mộc kháng sinh của Viện y học dân tộc, lá lốp (giã dập) có tác dụng mạnh đối với nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Staphylococcus, Streptococcus, Salmonella typhi, Shigella flexneri, sonnei, Shiga, B. subtilis, Es. coli, C. diphteriae, D. pneumoniae, H. pertusis… Điều này phù hợp với thực tế sử dụng lá lốt chữa các bệnh thấo khớp, đau răng và nhiều bệnh viêm nhiễm khác của nhân dân.

Trong nhân dân, lá lốp được dùng chữa nhiều bệnh, chủ yếu là chữa thấp khớp, chân tay lạnh, tê bại, đau lưng, mỏi gối, đau răng, rối loạn tiêu hoá, nôn mửa, đau bụng, đầy bụng, tiêu chảy do phong hàn. Liều dùng mỗi ngày từ 8 -12g dưới dạng thuốc sắc. Có thể dùng tươi hay phơi khô.

Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau khá tốt.

Một số bài thuốc từ cây lá lốp

1. Chữa thấp khớp, đau nhức xương:

- Bài 1: Lá lốp 20g, thiên niên kiện 12g, gai tầm xoọng 16g. Sắc với 400ml nước, uống ngày một thang. (theo BS Kim Minh).

- Bài 2: Lá lốp (cả rễ và thân cây) 20g, dây đau xương 10g, rễ thầu dầu tía 10g.

Tất cả cắt ngắn, phơi khô, sắc với 600ml nước, còn lấy 200ml, uống làm hai lần trong ngày. Dùng 7 - 8 ngày. (theo BS Kim Minh).

- Bài 3: Lá lốp 20g, cỏ xước 20g, cành dâu 20g, cà gai leo 20g, ngải cứu 10g. Tất cả sao qua, sắc uống mỗi ngày một thang, trong 3-5 ngày liền. (theo BS Kim Minh).

2. Chữa đau răng:

Lấy rễ lá lốp, rửa thật sạch, giã nát với mấy hạt muối, ép lấy nước, dùng bông sạch tẩm vào răng đau, ngậm 2-3 phút rồi xúc miệng bằng nước muối. Ngày tẩm thuốc 3-4 lần, trong 1-2 ngày răng đau sẽ khỏi hoặc giảm đau rõ rệt.(theo BS Kim Minh).

3- Chữa đau nhức xương khớp khi trời lạnh:

5-10g lá lốp phơi khô (15-30g lá tươi), sắc 2 bát nước còn ½ bát, uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm, nên uống sau bữa ăn tối. Mỗi liệu trình điều trị 10 ngày. Hoặc lá lốt và rễ các cây bưởi bung, vòi voi, cỏ xước, mỗi vị 30g, tất cả đều dùng tươi thái mỏng, sao vàng, sắc với 600ml nước, còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục trong 7 ngày.(Theo Sức khỏe & Đời sống).

4- Trị chứng ra nhiều mồ hôi ở tay, chân:

Lá lốt tươi 30g, rửa sạch, để ráo cho vào 1 lít nước đun sôi khoảng 3 phút, khi sôi cho thêm ít muối, để ấm dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ tối. Thực hiện liên tục trong 5-7 ngày. Hoặc lá lốt 30g, thái nhỏ, sao vàng hạ thổ. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát. Chia 2 lần, uống trong ngày. Uống trong 7 ngày liền. Sau khi ngừng uống thuốc 4 đến 5 ngày lại tiếp tục uống một tuần nữa. (Theo Sức khỏe & Đời sống).

5- Chữa bệnh tổ đỉa ở bàn tay:

30g lá lốt tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy 1 bát nước đặc, uống trong ngày. Còn bã cho vào nồi đun với 3 bát nước, đun sôi khoảng 5 phút rồi vớt bã để riêng. Nước dùng để rửa nơi có tổ đỉa, sau đó lau khô lấy bã đắp lên, băng lại. Ngày làm 1-2 lần, liên tục trong 5-7 ngày. (Theo Sức khỏe & Đời sống).

6- Chữa mụn nhọt vỡ mủ lâu ngày không liền miệng:

Lá lốt, lá chanh, lá ráy, tía tô, mỗi vị 15g. Cách làm: Trước tiên lấy lớp vỏ trong của cây chanh (bỏ vỏ ngoài) phơi khô, giã nhỏ, rây bột mịn rắc vào vết thương, sau đó các dược liệu trên rửa sạch, giã nhỏ đắp vào nơi có mụn nhọt rồi băng lại. Ngày đắp 1 lần. Đắp trong 3 ngày. (Theo Sức khỏe & Đời sống).

7- Chữa phù thũng do thận:

Lá lốt 20g, cà gai leo, rễ mỏ quạ, rễ tầm gai, lá đa lông, mã đề mỗi vị 10g. Sắc với 500ml nước còn 150ml, uống trong ngày. Uống  sau bữa ăn trưa khi thuốc còn ấm. Dùng trong 3-5 ngày. (Theo Sức khỏe & Đời sống).

8- Chữa đau bụng do lạnh:

Lá lốp tươi 20g, rửa sạch, đun với 300ml nước còn 100ml. Uống trong ngày khi thuốc còn ấm, nên uống trước bữa ăn tối. Dùng liên tục trong 2 ngày. (Theo Sức khỏe & Đời sống).

9- Chữa đầu gối sưng đau:

Lá lốp, ngải cứu mỗi vị 20g (tất cả dùng tươi), rửa sạch, giã nát, thêm giấm chưng nóng, đắp, chườm nơi đầu gối sưng đau. (Theo Sức khỏe & Đời sống).

10- Chữa đau nhức xương khớp:

Bài 1: Dùng 5-10g lá lốt phơi khô, hay 15-30g lá tươi, sắc với nước, chia 2-3 lần uống trong ngày.

Bài 2: Lá lốt và rễ các cây bưởi bung, vòi voi, cỏ xước, tất cả đều dùng tươi thái mỏng, sao vàng, liều lượng bằng nhau (khoảng 15g khô mỗi loại), sắc với 600ml nước, còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.

Bài 3: Lá lốt 20g, thiên niên kiện 12g, gai tầm xoong 16g, tất cả sắc với 400ml, còn 100ml dùng uống trong ngày. Có thể dùng một trong các bài thuốc này, sắc uống liên tục 7-8 ngày sẽ có tác dụng tốt. (theo BS. Vũ Nguyên Khiết).

11- Chữa bệnh phụ khoa (các viêm nhiễm ở vùng âm đạo, ngứa, ra khí hư):

 Lá lốt 50g, nghệ 40g, phèn chua 20g, đổ nước ngập lên mặt thuốc 2 đốt ngón tay, đun sôi, bớt lửa giữ cho sôi lăn tăn 10-15 phút, chắt lấy 1 bát, gạn lấy nước trong dùng rửa âm đạo. Phần còn lại tiếp tục đun sôi dùng để xông hơi vào âm đạo, có thể xông nhiều lần. (theo BS. Vũ Nguyên Khiết).

12- Chữa đổ mồ hôi nhiều ở tay chân:

Dùng 30g lá lốt tươi cho vào 1 lít nước nấu sôi, cho thêm ít muối, để nguội dần dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ tối. (theo BS. Vũ Nguyên Khiết).

13- Chữa lỵ:

 Lấy 1 nắm nhỏ lá lốt, sắc với 300ml nước, dùng uống. (theo BS. Vũ Nguyên Khiết).

 

 

 

Tin cùng chuyên mục