CÂY HẸ HOA

Cập nhật: 10h46 | 04/09/2013

Theo Đông y: Lá hẹ có vị cay hơi chua, hăng, tính ấm, có tác dụng trợ thận, bổ dương, ôn trung, hành khí, tán huyết, giải độc, cầm máu, tiêu đờm.

CÂY HẸ HOA

1. Tên gọi khác: Hẹ bông, Hẹ tỏi, Hẹ Trung Quốc. 

2.Tên tiếng Anh: Garlic chives , Chinese Chives, Oriental garlic, Chinese leek.

3. Tên khoa học: Allium tuberosum 

- Tên đồng nghĩa:

Allium angulosum Lour. nom. illeg.

Allium argyi H.Lév.

Allium chinense Maxim. nom. illeg.

Allium clarkei Hook.f.

Allium roxburghii Kunth

Allium sulvia Buch.-Ham. ex D.Don

Allium tricoccum auct. non Blanco

Allium tuberosum Roxb. nom. illeg.

Allium tuberosum f. yezoense (Nakai) M.Hiroe

Allium uliginosum G.Don

Allium yesoense Nakai

Allium yezoense Nakai

Nothoscordum sulvia (Buch.-Ham. ex D.Don) Kunth

- Các loài tương cận:

Allium acuminatum - Hành dại, hành hoa tím.

Allium ampeloprasum porrum - Tỏi tây

Allium cepa - Hành tây

Allium cepiforme hay Allium ascalonicum - Hành thơm

Allium neapolitanum - Tỏi trắng

Allium sativum - Tỏi

Allium ramosum -Hẹ thường

Phân loại khoa học

Scientific classification

Bộ (ordo):

Măng tây (Asparagales)

Họ (familia):

Hành (Alliaceae)

Chi (genus):

Hành (Allium)

Loài (species):

Allium tuberosum 

Có một số nhà phân loại học cho rằng 2 loài Hẹ thường (Allium ramosum) và Hẹ hoa (Allium tuberosum) là 2 giống của loài hẹ (Allium ramosum).

Hẹ thường (Allium ramosum) sẽ được giới thiệu ở một trang riêng.

4. Phân bố

Chi Hành (Allium) là một chi lớn thực vật trong Họ hành tỏi (Alliaceae). Chi này có khoảng 1.250 loài, thông thường được phân loại trong Họ Hành (Alliaceae) của chính chúng. Một số nhà thực vật học khác cũng đã từng phân loại chi này trong Họ Loa kèn (Liliaceae).

Chi Hành bao gồm các loài thực vật sống một năm hoặc lâu năm có thân phình ra thành củ giống như củ hành. Chúng phát triển tốt trong vùng nhiệt đới và vùng ôn đới của Bắc bán cầu. Chiều cao thân cây của chúng dao động từ 5-150 cm. Các hoa tạo thành dạng hoa tán ở trên đỉnh của thân cây không có lá. Các chồi (thân cây có lá đã biến đổi hay các gốc lá dày dặc, trong cách gọi thông thường là củ) dao động về kích thước giữa các loài, từ rất nhỏ (đường kính khoảng 2-3 mm) đến rất lớn (8-10 cm).

Chi này chứa một số loài cây có giá trị như hànhhẹ, hẹ hoatỏi tâytỏi và hành tăm. Mùi của "hành" là đặc trưng cho cả chi nhưng không phải mọi loài đều có mùi giống nhau.

Cây hẹ hoa (Allium tuberosum) có nguồn gốc hoang dại ở vùng Trung và Bắc Á, được người Trung Quốc đưa về trồng khoảng 200 năm trước Công nguyên. Từ đó cây hẹ hoa được phát triển sang các vùng Đông và Đông Nam Á.

Cây hẹ hoa có có hình thái, hương vị và thành phần dinh dưỡng và tích chất dược liệu giống như cây hẹ thường, tuy nhiên loài này khó thích nghi môi trường hơn nên chủ yếu được trồng, trong khi hẹ thường có thể mọc hoang dại.

Mục đích thu hoạch của hẹ hoa là phần thân mang cuống hoa và nụ hoa thay vì chỉ thu hoạch lá như hẹ thường. Có thể thu hoạch lá khi hẹ chưa ra hoa, lá hẹ hoa cũng làm rau như lá hẹ thường, nhưng không có hiệu quả kinh tế hơn.

Một số nhà khoa học cho rằng hẹ hoa do sự chọn lọc chuyên hóa từ cây hẹ thường, trong di truyền học phân tử giữa hai loài này không có sự khác biệt lớn.

Ở Việt Nam cây hẹ dược trồng trong cả nước, từ đồng bằng đến vùng núi. Ở miền nam, cây được trồng hầu khắp các tỉnh từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Kiên Giang.

5. Mô tả

Cây hẹ là loài cây họ hành tỏi, có thân thảo sống lâu năm.

Thân: Cây thân thảo nhỏ, cao 20-50cm, mọc đứng, hình trụ hoặc có góc ở đầu. Thân chỉ vươn cao khi cây hẹ đã già, cuối ngọn thân mang một chùm hoa.

Lá: Lá mọc ở gốc, hình dải hẹp, nửa hình trụ, dài 15-60cm, rộng 1,5-4mm.

Hoa: Hoa trắng mọc thành tán ở đầu một cán hoa dài 20-30cm hay hơn. Tán gồm 20-40 hoa có mo bao bọc, 3-4 lần ngắn hơn tán hoa; bao hoa màu trắng, gồm nhiều phiến thuôn mũi mác.

Quả:Quả nang, hình trái xoan ngược chia ra 3 mảnh; 6 hạt nhỏ, màu đen.

Hoa tháng 7-8, quả tháng 8-9.  

Hạt: Hạt nhỏ, nằm trong quả nang, khi lấy hạt phải đập bể vỏ quả.

Cây hẹ có thể nhân giống bằng sinh sản vô tính như tách chồi để trồng và có thể trồng bằng hạt. Cây sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu nóng và ẩm.

6. Thành phần hóa học

Trong 1 kg lá hẹ có 5-10 g đạm, 5-30 g đường, 20 mg vitamin A, 89 g vitamin C, 263 mg canxi, 212 mg phốt pho, nhiều chất xơ.

Chất xơ có tác dụng tăng tính nhạy cảm với insulin làm giảm đường huyết, giảm mỡ máu, ngừa xơ mỡ động mạch, bảo vệ tuyến tụy. Chất Odorin là một kháng sinh mạnh chống tụ cầu và các vi khuẩn khác.

Nghiên cứu gần đây cho thấy, trong lá và củ hẹ có chất sunfua, saponin, chất đắng và một hoạt chất đặt tên là odorin có tác dụng kháng sinh mạnh đối với nhiều loại vi khuẩn như Staphylococcus, Salmonella, Shigella, Subtilis... Tính chất kháng sinh này khá bền vững, nhưng nếu đun sôi sẽ hết tác dụng.

7. Công dụng

+Theo Đông y

Lá hẹ có vị cay hơi chua, hăng, tính ấm, có tác dụng trợ thận, bổ dương, ôn trung, hành khí, tán huyết, giải độc, cầm máu, tiêu đờm.

Nếu thường xuyên ăn canh hẹ sẽ giúp nam giới cường tinh lực, bồi bổ gan thận. Lá hẹ cũng rất tốt đối với phụ nữ có thai khi bị nhiễm lạnh, phụ nữ sau khi sinh bị chóng mặt.

Củ hẹ có vị cay ngọt được dùng trong các bài thuốc chữa tiểu tiện nhiều lần.

Hạt hẹ có vị cay, ngọt, tính ấm, có tác dụng ôn trung, trợ vị khí, điều hoà tạng phủ, hạ nghịch khí, cố thận tinh, tán ứ huyết.

Bộ phận dùng: Hạt thường gọi là Cửu thái tử. Toàn cây cũng được dùng.

Trong các sách y học nói chung và Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh nói riêng còn nhiều bài thuốc dùng hẹ. Tuy nhiên, vẫn có một số vấn đề chưa được kiểm chứng khoa học, ví dụ: chữa đau ngực như dùi đâm, chó dại cắn, sản hậu bất tỉnh v.v.

+Theo Tây y

Hẹ có tác dụng tăng tính nhạy cảm với insulin (tốt cho người bị bệnh tiểu đường), làm giảm đường huyết, giảm mỡ máu, ngăn ngừa sơ vữa động mạch và bảo vệ tuyến tuỵ. Chất odorin trong loại rau này là một kháng sinh mạnh giúp chống  tụ cầu và  các vi khuẩn khác.

Các bài thuốc Đông y từ cây hẹ hoa

1-Cổ họng khó nuốt: Dùng 12-24g lá Hẹ giã tươi lấy nước uống. (Theo thaythuoccuaban.com).

2-Yết hầu sưng đau: Hẹ toàn cây một nắm, muối một cục đâm vắt nước nuốt lần lần. (Theo thaythuoccuaban.com).

3-Viêm tai giữa: Giã Hẹ tươi lấy nước nhỏ tai. (Theo thaythuoccuaban.com).

4-Côn trùng bò vào tai: Lá Hẹ đâm vắt lấy nước nhỏ vào tai ít giọt, côn trùng sẽ bò ra. (Theo thaythuoccuaban.com).

5-Hen suyễn nguy cấp: Lá Hẹ, một nắm, sắc uống. (Theo thaythuoccuaban.com).

6-Đổ máu cam, lỵ ra máu: Củ hoặc lá Hẹ giã tươi lấy nước uống. (Theo thaythuoccuaban.com).

7-Ho trẻ em: Lá Hẹ hấp với đường đặt trong nồi cơm hoặc đun cách thuỷ lấy nước cho uống. (Theo thaythuoccuaban.com).

8-Giun kim: Sắc lá Hẹ hoặc rễ Hẹ lấy nước uống. (Theo thaythuoccuaban.com).

9-Di tinh: Hẹ và Gạo nếp, hai thứ đều nhau, hiệp chung nấu cháo nhừ, phơi sương một đêm, ăn lúc sáng sớm, ăn luôn một lúc. Hoặc dùng hạt Hẹ ăn mỗi ngày 20 hạt lúc đói với nước muối mặn mặn, hoặc chưng chín ăn. (Theo thaythuoccuaban.com).

10-Sản hậu chóng mặt bất tỉnh: Củ Hẹ, Hành tăm, đều 12g, đâm nát hoà ít giấm, để lên cục gạch nướng đỏ, xông hơi.(Theo thaythuoccuaban.com).

 (Ghi chú!Xem thêm Các bài thuốc Đông y từ cây hẹ trong bài “Cây hẹ” đã được đăng trong blog/website này).

 

 

 

Tin cùng chuyên mục