CÂY ĐẬU BẮP

Cập nhật: 10h46 | 04/09/2013

Theo Đông y: Kinh nghiệm dùng đậu bắp trị bệnh đã có từ xưa, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan…

CÂY ĐẬU BẮP

1. Tên gọi khác: Mướp tây (Miền Bắc) 

2. Tên tiếng Anh: Okra (US), lady's fingers, bhindi, gumbo.

3. Tên khoa học: Abelmoschus esculentus (L.Moench

- Tên đồng nghĩa: Hibiscus esculentus L.

- Các loài tương cận:

- Đậu bắp Tây Phi: Abelmoschus caillei - (syn. Hibsicus Manihot var. caillei). 

- Dâm bụt Nhật Bản: Abelmoschus Manihot - (syn. Hibiscus Manihot). 

- Đậu bắp cảnh: Abelmoschus moschatus - (syn. Hibiscus abelmoschus ).

- Đậu bắp rừng hoa trắng: Abelmoschus ficulneus - (syn. Hibiscus ficulneus ).

Phân loại khoa học

Bộ (ordo):

Cẩm quỳ (Malvales)

Họ (familia):

Cẩm quỳ (Malvaceae)

Phân họ (subfamilia):

Cẩm quỳ (Malvoideae)

Tông (tribus):

Bông bụp (Hibisceae)

Chi (genus):

Vông vang (Abelmoschus)

Loài (species):

Abelmoschus esculentus

       Chi Vông vang (Abelmoschus) gồm khoảng 15 loài thực vật có hoa Họ Bông bụp (Hibisceae) được phân bố ở Châu Phi, Châu Á và Bắc Australia.

Trước đây Chi Vông vang (Abelmoschus) được xếp chung Chi bông bụp (Hibiscus) nhưng hiện nay được xếp thành một chi riêng biệt.

4. Phân bố

Nguồn gốc phát sinh của loài Cây Đậu bắp (Abelmoschus esculentus) đang được tranh cải, có hai giả thuyết ngược nhau: giả thuyết thứ nhất cho rằng ở Nam Á, giả thuyết thứ hai cho rằng ở Ethiopia và Tây Phi.

Hiện nay cây đậu bắp được trồng ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và vùng ôn đới ấm áp trên khắp thế giới.

Ở Việt Nam cây đậu bắp được trồng trong khắp cả nước từ vùng đồng bằng cho đến vùng núi để lấy quả làm rau. Ở Nam Bộ loài cây này được trồng phổ biến ở mọi gia đình nông thôn trong đó có Bà Rịa Vũng Tàu, Sóc Trăng...

5. Mô tả

Đậu bắp là cây thân gổ nhỏ sống một năm, chủ yếu được trồng lấy quả dùng làm rau.

+ Thân: Thân mọc thẳng đứng, cao 1-2 mét, phân thành nhiều cành ở đốt thân.

Phần ruột thân hóa gổ và xốp, vỏ thân màu xanh nhạt, khi già tạo xơ như sợi đay.

+ Lá: Lá hình tim xẻ thùy chân vịt với 5-7 thùy, dài 20-30 cm, rộng 10-20 cm. Lông trên lá dài và nằm rạp, 5-7 gân chính nổi rõ, cuống lá dài 15-18cm.

+ Hoa: Hoa đơn, cuống to, đường kính 4-8 cm, với 5 cánh hoa màu trắng hay vàng, thường có các đốm đỏ hay tía tại phần gốc mỗi cánh hoa. Tiểu đài 8-10, tràng 5, nhị nhiều đính nhau thành ống.

+ Quả: Quả là dạng quả nang có tiết diện 5 cạnh, dài 15- 20 cm, chứa nhiều hạt. Quả có màu xanh nhạt, có khi màu tím.

+ Hạt: Hạt gần tròn, màu trắng khi còn non. Khi già hạt màu xám nhạt, mặt nhẵn.

Quả và hạt non mềm đều được dùng làm rau.

Cây đậu bắp (Abelmoschus esculentu) là một loài cây chịu nóng bức và khô hạn tốt. Nó cũng sống được trong các loại đất nghèo dinh dưỡng với lớp đất sét dày và sự ẩm ướt không liên tục. Tuy nhiên, sương giá có thể gây tổn hại cho quả đậu bắp.

6. Thành phần dinh dưỡng

Theo số liệu phân tích của Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA):

DINH DƯỠNG TRONG 100g  ĐẬU BẮP TƯƠI

Năng lượng

31kcal

Nước

90,17g

Protein

2,0g

Chất béo

0,1g

Carbohydrate

7,03g

Đường tổng số

1,2g

Chất xơ

3,2g

Chất  khoáng

Canxi (Ca)

81mg

Sắt (Fe)

0,8mg

Magiê (Mg)

57mg

Phốt pho (P)

63mg

Kali (K)

303mg

Kẽm (Zn)

0,6mg

Natri ( Na)

8mg

Vitamins

Vitamin C

21,1mg

Vitamin A

375IU

Caroten,beta

225mcg

Vitamin K

53,0mcg

Folat (vit B9)

88mcg

Lutein và zeaxanthin

516mcg

Choline

12,3mg

Lipids

Cholesterol

0

Phytosterols

24mg

Nguồn: Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng của USDA

7. Công dụng

+Theo Đông y:

Kinh nghiệm dùng đậu bắp trị bệnh đã có từ xưa, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan…

Người Thái Lan dùng trái đậu bắp khô nấu nước uống để trị viêm loét đường tiêu hóa.

Người Malaysia và Ấn Độ dùng trái hay toàn cây sắc uống để giảm đau trong bệnh lậu và chứng khó đi tiểu.

Song song với những công dụng trên, đến nay, chưa thấy có tài liệu nào đề cập đến tác dụng phụ của đậu bắp. Thực tế cho thấy, nếu dùng đậu bắp quá nhiều sẽ đi tiêu nhiều lần trong ngày mà phân vẫn bình thường, không hại.

+Theo Tây y:

-Các nhiên cứu ở nước ngoài:

-Đậu bắp là một loại rau quả phổ biến có nhiều chất bổ dưỡng như: hợp chất polyphenol, chất chống ôxy hoá, các sinh tố C, A, B1, B2, B6, khoáng chất kẽm, sắt, canxi và nhiều chất xơ, chất nhầy. Hạt đậu bắp cũng là nguồn cung cấp chất đạm và chất béo tốt.

-Theo dược điển Tây y từ năm 1898 đã cho biết quả đậu bắp có tác dụng lợi tiểu.

-Chất nhớt trong quả đậu bắp có tác dụng tốt đối với việc tiêu hóa, bổ dạ dày và đường ruột, vì vậy những người bị bệnh dạ dày nên ăn đậu bắp.

-Đậu bắp là một thực phẩm sức khỏe phổ biến do cao chất xơ , vitamin C và folate. Đậu bắp có chất chống oxy hóa cao . Đậu bắp cũng là một nguồn tốt để cung cấp canxi và kali.

-Hàm lượng kẽm và selen trong đậu bắp phong phú giúp chống lại bệnh ung thư.

-Các nghiên cứu ở Việt Nam

-Gần đây, những thí nghiệm tại Khoa Y học cổ truyền, Đại Học Y dược TP.HCM đã cho thấy cao lỏng được chế từ thân và lá cây đậu bắp có tác dụng hạ đường huyết trên chuột thí nghiệm. Các nhà khoa học đã xác định liều từ 10g đến 40g/kg thể trọng có tác dụng hạ đường huyết trên chuột thí nghiệm. Liều có tác dụng hạ đường huyết ổn định nhất là 30g/kg thể trọng. Ở liều này, cao lỏng đậu bắp hạ đường huyết có ý nghĩa thống kê từ thời điểm 40 phút và kéo dài đến 90 phút. Sau 90 phút, đậu bắp làm hạ 47,34% nồng độ đường huyết so với nhóm đối chứng không điều trị. Qua so sánh với insulin, tác dụng của đậu bắp không mạnh bằng insulin, không gây hạ đột ngột như insulin nhưng ổn định hơn và không có nguy cơ gây tụt huyết áp xuống dưới mức bình thường.

-Thạc sĩ- bác sĩ Lê Hoàng Sơn, khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, trong đậu bắp có chứa nhiều pectin, chất nhầy, sắt và canxi. Nếu trái còn tươi thì chứa các vitamin A, B1, B2, C và niacin. Hạt của trái chứa chất béo palmitin và stearin. Vì vậy, toàn bộ trái đậu bắp chứa chất xơ và chất nhầy nên có tác dụng làm dịu, giúp dễ đi tiêu (có ích cho người loét tiêu hóa) và lợi tiểu (có ích cho người tăng huyết áp).

Riêng hạt đậu bắp còn có tác dụng trợ tim, chống co thắt. Vì vậy, đậu bắp làm giảm đau đường tiểu trong trường hợp nhiễm trùng tiểu hay sỏi niệu. Ngoài ra, toàn bộ trái đậu bắp còn có ích cho người viêm loét dạ dày tá tràng.

Tóm tắt ! Các lợi điểm khi dùng Đậu bắp :

-Ổn định lượng đường trong máu.

-Làm giảm lượng cholesterol.

-Tránh được chứng táo bón.

-Giữ cho việc tiêu hóa được điều hòa.

-Nuôi dưỡng các vi khuẩn lành trong cơ thể.

Một số món ăn – bài thuốc từ đậu bắp

1-Đậu bắp tốt cho thai nhi

Đậu bắp chứa nhiều axit folic, axit này tốt cho thai phụ phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh cho thai nhi. Bà bầu nên ăn các món ăn có đậu bắp như: canh chua đậu bắp, đậu bắp xào tôm, đậu bắp tẩm bột chiên giòn ăn với rau xà lách, lẩu ăn với đậu bắp…

2-Đậu bắp làm đẹp da

Đậu bắp còn được xem như mỹ phẩm giúp đẹp da, mượt tóc, giữ vẻ trẻ trung cho đôi mắt, tăng cường sức khỏe nhờ chứa nhiều vitamin A, vitamin C, calci, kali, magne. Để đạt được công dụng làm đẹp, cần ăn các món hơi “mầu mỡ” một chút như: đậu bắp hấp mỡ hành, đậu bắp xào, đậu bắp hấp chấm kho quẹt…

3-Đậu bắp tốt cho người rối loạn mỡ máu

Theo lương y Đinh Công Bảy-Hội Dược liệu TPHCM thì những người bị tiểu đường, mỡ trong máu cao nên thường xuyên dùng đậu bắp. Chất xơ trong đậu bắp giúp giảm lượng mỡ trong hệ thống ống tiêu hóa, giúp đường hấp thu vào máu chậm.

Như vậy, để đậu bắp có thể “hoàn thành nhiệm vụ”, những ai có mỡ trong máu, tiểu đường cần ăn đậu bắp luộc, hấp; không ăn đậu bắp tẩm bột chiên giòn, đậu bắp xào. Nước đậu bắp luộc dùng để uống cũng có công dụng tương tự.

4-Đậu bắp tốt cho tiêu hóa

Đậu bắp chứa nhiều chất xơ. Trái đậu bắp khi cắt ra khá nhớt, phần nhớt đó chứa xơ dạng hòa tan, còn “thân hình” và hạt đậu bắp chứa xơ không hòa tan. Các nhà khoa học sau khi “cân đo” đã cho đáp số: một chén đậu bắp nấu chín có thể cung cấp khoảng 4g chất xơ. Vì vậy, khi ăn các món nướng như: sườn nướng, xúc xích nướng, nên tiện tay nướng thêm ít trái đậu bắp ăn kèm, vừa ngon miệng, không ngán, lại giúp cho việc tiêu hóa thuận lợi.

Những ai thường xuyên bị táo bón nên dùng thử đậu bắp. Sau khi dùng khoảng hai ngày sẽ thấy hiệu quả. Tuy nhiên, để loại trừ táo bón, không nên “ưu ái” một mình đậu bắp mà nên ăn thay đổi cùng các món nhuận tràng khác như: khoai lang, đu đủ, bí đỏ, chuối, thanh long…

5-Đậu bắp giúp giảm cân 

Bên cạnh làm “phụ tá” đắc lực cho hệ tiêu hóa, chất xơ trong đậu bắp còn giúp giảm cân nhờ sinh ít năng lượng (một chén đậu bắp chứa khoảng 30 kcal). Vì vậy, những ai đang “lên lịch” giảm cân nên đưa đậu bắp vào danh sách các món ăn. Tốt nhất là dùng một chén đậu bắp hấp chấm chao hoặc kho quẹt trước khi dùng cơm. Điều cần nhớ khi chế biến các món đậu bắp là chỉ nấu chín tới, không để quá lâu vì có thể mất hết sinh tố.

Đậu bắp là món ăn sống ngon không kém ăn chín, song khi mua nên chọn đậu bắp nhỏ, có bề mặt mịn màng, không tì vết, ăn sẽ ngon hơn và giàu dinh dưỡng hơn loại đậu bắp lớn. Nhớ rửa sạch vì lông tơ trên vỏ đậu bắp khiến thuốc trừ sâu dễ bám. Để có rau sạch, nên trồng đậu bắp, vì đây là cây dễ trồng, sống được ở những nơi nắng gắt, đất không màu mỡ, rất sai trái. 

Lưu ý: Bên cạnh những công dụng có lợi nêu trên, “khuyết điểm” của đậu bắp là làm “lạnh” bụng. Những ai hay bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, không nên dùng loại rau này. 

 

 

Tin cùng chuyên mục