RAU DỪA (NƯỚC)

Cập nhật: 10h24 | 05/09/2013

Theo y học cổ truyền rau dừa có vị ngọt nhạt, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt giải độc lợi tiểu, nhuận trường, tiêu thũng. Thường dùng trị phù thũng, tiểu đục, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu, sỏi mật, sỏi tiết niệu, ho khan, nóng sốt, lên ban sởi, lở ngứa, mụn nhọt, áp xe

RAU DỪA (NƯỚC)

1. Tên gọi khác: Rau dừa nước, Du long thái, Thuỷ long.

2. Tên khoa học: Jussiaea repens L.

3. Phân bố

Rau dừa (Jussiaea repens) có nguồn gốc ở Bắc Mỹ và lan tràn nhanh chóng đến khắp các Châu lục từ thế kỷ thứ 16 và hiện nay được xếp vào loại cây thủy sinh xâm nhập ở nhiều nước vùng ôn đới và nhiệt đới. 

Ở nam bộ, mọc hoang và cũng được trồng ở các ruộng nước, ao hồ, đầm nước, nương rạch.

4. Mô tả

Cây rau dừa mọc hoang, bò lan ở bùn hay nổi lên mặt nước ao hồ nhờ các “phao” xốp màu trắng.

+ Thân:Thân mềm, xốp có đâm rễ ở các mấu.

+ Lá: Lá nguyên, hình bầu dục, các lá dài vài cm và được sinh trong cụm luân phiên bố trí dọc theo thân cây, cuốn lá ngắn , dùng làm thức ăn cho lợn (cho ăn sống hay nấu với các loại thức ăn khác), làm rau ăn sống hay xào.

+ Hoa: Hoa mọc ở nách lá, có 5 đến cánh hoa màu vàng sáng, dài đến 2,4 cm . 

+  Quả: Quả nang cứng, hình trụ, khi chín nứt thành 5 mảnh chứa nhiều hạt hình chữ nhật.

5. Thành phần hóa học

Theo Tiến sĩ Võ văn Chi cho biết: Trong 100 g rau dừa nước tươi có: 2,62 g protid, 4,5 g glucid, 5,5 g chất xơ, 1,2 g chất tro, 152 mg calcium, 2,5 mg phospho, 0,7 mg sắt, 0,26 mg caroten, 52 mg vitamin C. Trong thân và lá có flavonoid và tanin.

Ngoài giá trị dinh dưỡng khá, các chất flavonoid trong rau dừa được ngành y học hiện đại chú trọng và khai thác.

Qua phân tích thân lá cây rau dừa tìm được 12 chất chuyển hóa có giá trị y học quan trọng. Trong đó là những chất chống oxy hóa và chống tế bào ung thư phát triển có thể chiết rút dạng tinh khiết bằng phương pháp sắc ký.

Một số chất flavonoid cô lập cho thấy hoạt động chống lại các tế bào ung thư Ehrlich ascitis. Các chất flavonoid trong cây rau dừa không gây độc cho người.

6. Công dụng

Theo y học cổ truyền rau dừa có vị ngọt nhạt, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt giải độc lợi tiểu, nhuận trường, tiêu thũng. Thường dùng trị phù thũng, tiểu đục, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu, sỏi mật, sỏi tiết niệu, ho khan, nóng sốt, lên ban sởi, lở ngứa, mụn nhọt, áp xe… dùng dưới dạng cây tươi hoặc phơi khô.

Trong dân gian còn dùng rau dừa để chữa tăng huyết áp, kèm chân phù tiểu ít, mụn nhọt bằng cách sắc uống, chữa áp xe, viêm tuyến vú, tuyến mang tai, bệnh zona, chàm, rắn cắn bằng cách cây tươi rửa sạch giã nhuyễn vắt nước uống trong, bã đắp ngoài.

Rau dừa có thể dùng tươi hoặc phơi khô dưới dạng thuốc sắc.

- Liều lượng: 40 - 60g/ngày (loại tươi), 15- 20g/ngày (loại khô).

- Cách chế biến: Tháng 6, 7 âm lịch thu hái về, bỏ phần gốc và rễ, rửa sạch bùn đất rồi phơi cho se, sau đó chặt ngắn 1,5 - 3cm, phơi tiếp cho đến khi khô là được, đóng gói cẩn thận để dùng dần. Nhưng nếu có một lượng lớn thì sau khi phơi khô cần phải sao qua mới bảo quản lâu dài.

Không nên dùng cho người già thận khí hư ,tiểu nhiều, tiểu không tự chủ.

Một số bài thuốc từ cây rau dừa

1- Chữa tiểu buốt rắt, tiểu ra máu (chứng trọc lâm): rau dừa tươi 200g sắc nước uống ngày vài lần (theo Y học cổ truyền Việt Nam).

2- Chữa tiểu ra dưỡng trấp (viêm cầu thận): rau dừa , mã đề mỗi vị 50-100g sắc uống (theo Y học cổ truyền Việt Nam).

3- Chữa phụ nữ có khí hư màu vàng (do tỳ thận thấp nhiệt): rau dừa, rau mã đề, mỗi thứ 100g, lá trinh nữ hoàng cung 2 lá sắc uống ngày 3 lần, một đợt 5-7 ngày (theo Y học cổ truyền Việt Nam).

4- Chữa ho khan (do phế nhiệt): rau dừa 100g, rau má tươi 100g, gừng 3 lát sắc uống (theo Y học cổ truyền Việt Nam).

5- Chữa bệnh trẻ em đầu sài lở: cây tươi giã, vắt nước cốt trộn với dầu mè đắp ngoài (theo Y học cổ truyền Việt Nam).

6- Chữa sỏi tiết niệu: Rau dừa, rau ngò om (rau ngổ), mỗi thứ 100g sắc nước uống ngày 3 lần, uống nhiều ngày (theo Y học cổ truyền Việt Nam).

7- Chữa sốt lên ban sởi: Rau dừa nước, rau kinh giới, rau ngò rí (rau mùi) tươi mỗi vị 40-60g sắc, gừng tươi 3 lát sắc uống ngày vài lần (theo Y học cổ truyền Việt Nam).

8- Trong vú có hòn cục đau nhức, cơ thể mệt mỏi, sút cân: Rau dừa nước loại tươi 40g, lá bồ công anh loại tươi 40g. Hai thứ giã nhỏ đắp vào vú, băng lại. Tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, phá kết (làm tan hòn cục) (theo Lương y Trịnh văn Sỹ).

9- Vết thương phần mềm, lâu không liền miệng: Rau dừa nước (dùng ngọn non) 40g, lá vông (dùng lá non) 40g. Hai thứ giã nhỏ, đắp vào vết thương băng lại (theo Lương y Trịnh văn Sỹ).

10- Đái dắt, đái buốt, nước tiểu đỏ: Rau dừa nước, rau mã đề, cỏ mực, lá đinh lăng mỗi thứ 50g, nấu nước uống trong ngày. Tác dụng: chống viêm thanh nhiệt, lợi tiểu. Chỉ dùng vài lần là có hiệu quả (theo Lương y Trịnh văn Sỹ).

11- Đau vùng hố thận, mi mắt sụp, chân tay phù, tiểu ít: Rau dừa nước (khô) 20g, hương nhu trắng 16g, xa tiền 12g, bạch truật 12g, ngải diệp 16g, sinh khương 6g, quế 8g, kiện 10g, trần bì 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần (theo Lương y Trịnh văn Sỹ).

12- Da vàng tiểu vàng, đau nhức hạ sườn phải, tiêu hóa chậm, phân thường táo, do can uất khí trệ: Rau dừa nước (tươi) 30g, đan bì 10g, chi tử 10g, củ đợi 10g, nhân trần 10g, hạ liên châu 10g, đương quy 12g, nam hoàng bá 12g, uất kim 10g, xuyên khung 12g, ích mẫu 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần (theo Lương y Trịnh văn Sỹ).

13- Ngứa ngoài da, do thời tiết oi nóng: Rau dừa nước (tươi) 30g, cỏ mực (tươi) 24g, nam hoàng bá 12g, kinh giới 12g, huyền sâm 10g, ngân hoa 10g, liên kiều 10g, sài hồ 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Trường hợp này cần kiêng: thịt chó, mắm tôm, tôm, cua, ốc, cá mè, vì các thứ này dễ gây dị ứng (theo Lương y Trịnh văn Sỹ).

14- Nước tiểu đục như nước vo gạo, do thận hư, chức năng của thận bị rối loạn: Rau dừa nước tươi 80 -100g nấu nước uống trong ngày, dùng liên tục 10 - 15 ngày. Hoặc rau dừa nước (khô) 20g, hoài sơn 12g, sơn thù 10g, đan bì 10g, trạch tả 12g, thục địa 12g, bạch linh 10g, khởi tử 12g, khiếm thực 12g, đỗ trọng 10g, biển đậu 12g, rau má 20g, đinh lăng 16g, cam thảo đất 16g, trần bì 10g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần (theo Lương y Trịnh văn Sỹ).

15- Điều trị sỏi tiết niệu: Rau dừa nước (khô) 20g, kim tiền thảo 16g, ích mẫu 16g, ké đầu ngựa 12g, đinh lăng 16g, mã đề thảo 16g, trinh nữ 16g, cối xay 16g, lá tre 16g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. 7 - 10 ngày là 1 liệu trình (theo Lương y Trịnh văn Sỹ).

16- Chữa tiểu buốt rắt, tiểu ra máu (chứng trọc lâm): rau dừa tươi 200g sắc nước uống ngày vài lần (theo Lương y Minh Phúc).

17- Chữa tiểu ra dưỡng chấp (viêm cầu thận): rau dừa, mã đề mỗi vị 50-100g sắc uống (theo Lương y Minh Phúc).

18- Chữa phụ nữ có khí hư màu vàng (do tỳ thận thấp nhiệt): rau dừa, rau mã đề, mỗi thứ 100g, lá trinh nữ hoàng cung 2 lá sắc uống ngày 3 lần, một đợt 5-7 ngày (theo Lương y Minh Phúc).

19- Chữa ho khan (do phế nhiệt): rau dừa 100g, rau má tươi 100g, gừng 3 lát sắc uống (theo Lương y Minh Phúc).

20- Chữa sỏi tiết niệu: Rau dừa, rau ngò om (rau ngổ), mỗi thứ 100g sắc nước uống ngày 3 lần, uống nhiều ngày (theo Lương y Minh Phúc). 

 21- Chữa sốt lên ban sởi: Rau dừa, rau kinh giới, rau ngò rí (rau mùi) tươi mỗi vị 40-60g sắc, gừng tươi 3 lát sắc uống ngày vài lần (theo Lương y Minh Phúc).

 

 

Tin cùng chuyên mục

  • SEN (05/09/2013)