RAU MUỐNG

Cập nhật: 10h24 | 05/09/2013

Chữa dị ứng bội nhiễm ngoài da: Rau muống tươi một nắm rửa sạch, đun sôi kỹ, để vừa ấm, rửa chỗ thương tổn. Hoặc: Rau muống 30 g, râu ngô 15 g, mã thầy (củ năn) 10 củ. Sắc uống hằng ngày đến khi khỏi. (theo Y học cổ truyền Việt Nam).

RAU MUỐNG

 1. Tên khoa học: Ipomoea aquatica Forssk

 2. Phân bố

Rau muống (Ipomoea aquatica) là một loài thực vật  bán thủy sinh nhiệt đới thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae), là một loại rau ăn lá. Rau muống có nguồn gốc nhiệt đới Châu Á, khu vực Nam và Đông Nam Á, nhiệt đới châu Phi, Trung Á, Nam Mỹ và châu Đại Dương.

Tại Việt Nam, nó là một loại rau rất phổ thông, và các món ăn từ rau muống rất được ưa chuộng, thậm chí "nghiện".Ở Nam Bộ cây rau muống xanh mọc hoang dại trên các bờ, gò và cây rau muống đỏ mọc hoang ở các kênh, mương và ruộng ngập nước.

Cây rau muống xanh được trồng thâm canh như một loại rau ăn lá và được mua bán phổ biến trên thị trường ở nông thôn và thành thị.

3. Đặc điểm sinh học

Cây mọc bò, ở mặt nước hoặc trên cạn. Thân rỗng, dày, có rễ mắt, không lông. Lá hình ba cạnh, đầu nhọn, đôi khi hẹp và dài hay hình mũi tên, hoa trắng hoặc tím, ống hoa tím nhạt, mọc từng 1-2 hoa trên một cuống., quả nang chứa 4 hạt có lông màu hung, đường kính mỗi hạt khoảng 4 mm.

Rau muống là cây ngắn ngày, sinh trưởng nhanh, cho năng suất cao, sống được ở nhiệt độ cao và đủ ánh sáng.

Có thể trồng rau muống trên nhiều loại đất: đất sét, đất cát, đất pha cát, đất ẩm giàu mùn hoặc đất được bón phân hữu cơ, có độ pH= 5,3 – 6,0.

Thành phần hóa học

Trong 100g rau muống có 78,2g nước; 2,7g Protein; 85mg canxi; 31,5mg photpho; 1,2mg sắt và 20mg vitamin C. Ngoài ra còn có caroten, vitamin B1, vitamin PP, vitamin B2.

Đặc biệt trong giống rau muống đỏ chứa một chất giống như insulin nên đối với người mắc bệnh đái tháo đường ăn thường xuyên rau muống đỏ là rất tốt...

4. Công dụng

1. Ði ngoài ra máu, đái ra máu, nước tiểu đục: Rau muống tươi rửa sạch, giã nát lấy nước, cho vừa mật ong, quấy đều uống. Mỗi lần 30 - 50ml. (theo Y học cổ truyền Việt Nam).

2. Chảy máu mũi (máu cam): Rau muống tươi 100g, đường đỏ vừa đủ. Nghiền nát, cho  ít nước sôi vào khuấy mà uống.(theo Y học cổ truyền Việt Nam).

3. Dạ dày, ruột thấp nhiệt, đi ngoài cứng rắn: Rau muống rửa sạch, cắt nhỏ, xào ăn, hoặc nấu canh. Ngày 1- 2 lần. (theo Y học cổ truyền Việt Nam).

4. Trĩ, lòi đom: 100g rau muống nấu nhừ, gạn lấy nước, cho thêm 120g đường trắng, đun cho đặc như đường mạch nha. Ngày hai lần, mỗi lần 100g, uống vào sáng  và chiều. (theo Y học cổ truyền Việt Nam).

5. Mụn nhọt, mưng mủ: Rau muống tươi giã nát với mật ong vừa đủ. Ðánh nhuyễn đắp vào chỗ đau. (theo Y học cổ truyền Việt Nam).

6. Sâu bọ, rắn cắn hoặc bị bỏng lửa: Rau muống rửa sạch, giã nát, lọc lấy 250 ml cho thêm 25ml rượu trắng mà uống. Lấy bã đắp vào chỗ đau. Hoặc rau muống cho thêm muối vừa đủ cùng xay nát, đắp vào chỗ đau. (theo Y học cổ truyền Việt Nam).

7. Giải độc thuốc, hóa chất uống phải: Rau muống rửa sạch giã nát, vắt lấy nước uống. (theo Y học cổ truyền Việt Nam).

8. Chữa vết thương, vết mổ sâu rộng: Ăn rau muống hằng ngày kích thích sinh da chóng đầy miệng (những trường hợp có cơ địa sẹo lồi không nên dùng trong thời gian chưa liền sẹo). (theo Y học cổ truyền Việt Nam).

9. Giảm đường máu: Bệnh nhân tiểu đường nên dùng rau muống thường xuyên. (theo Y học cổ truyền Việt Nam). 

10. Chữa dị ứng bội nhiễm ngoài da: Rau muống tươi một nắm rửa sạch, đun sôi kỹ, để vừa ấm, rửa chỗ thương tổn. Hoặc: Rau muống 30 g, râu ngô 15 g, mã thầy (củ năn) 10 củ. Sắc uống hằng ngày đến khi khỏi. (theo Y học cổ truyền Việt Nam).

 

 

Tin cùng chuyên mục

  • SEN (05/09/2013)