Không thể đề cập đến nguyên tắc nào khác nếu không nhắc tới sự tự nguyện và sự tự nguyện ở đây phải là hoàn toàn tự nguyện cả về người cho và tổ chức nhận. Đối với người hiến sự tự nguyện có nghĩa là hoạt động này diễn ra phải có sự đồng ý chắc chắn của chủ thể hiến, quyết định hiến BPCT, hiến xác sau khi chết của cá nhân phải đưa ra trong trạng thái hoàn toàn bình thường, minh mẫn sáng suốt và quyết định này phải dựa trên việc tiếp thu và xử lý được thông tin.
Nguyên tắc tự nguyện hiến còn thể hiện đó là chủ thể hiến có quyền thay đổi, chấm dứt, huỷ bỏ việc hiến BPCT, hiến xác bất cứ thời điểm nào họ muốn mà không cần đưa ra lý do hoặc lời giải thích nào. Mọi lựa chọn của người hiến được tôn trọng và không thể có một cá nhân hay tổ chức nào có thể can thiệp vào quyết định ấy của họ. Còn đối với tổ chức nhận thì sự tự nguyện của họ được thể hiện đó là sự tự do quyết định có nhận BPCT và/hoặc xác hiến của người hiến hay không. Đây là nguyên tắc phổ biến áp dụng trên toàn thế giới.
2. Nguyên tắc vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học
Có thể nói đây là nguyên tắc cụ thể hoá Điều 35 trong Bộ luật Dân sự 2015: “ Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác”. Đây là một biểu hiện cao đẹp của lòng nhân ái, tinh thần giác ngộ khoa học, khẳng định tính nhân bản vì con người của cộng đồng. Nguyên tắc hiến vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học đòi hỏi mục hiến phải được xác định trước và rõ ràng, không thể có mục đích nào khác ngoài các mục đích nêu trên nếu vì mục đích nào khác nữa thì đều bị coi là vi phạm pháp luật. Hơn nữa để thể hiện đúng mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học của hoạt động hiến xác, BPCT sau khi chết thì về phía y tế yêu cầu sự tận tâm tận lực. Khi có sự tự nguyện hiến phải tuân thủ chặt chẽ các quy định trong tư vấn, kiểm tra sức khoẻ, tâm lý của người hiến nhằm hạn chế thấp nhất khả năng rủi ro giữa người hiến và tổ chức nhận đồng thời để thể hiện rõ mục đích cao đẹp của người hiến.
3. Nguyên tắc không nhằm mục đích thương mại
Nguyên tắc này được áp dụng với tư cách là điều kiện đủ trong hoạt động hiến xác, BPCT sau khi chết so với điều kiện cần là nguyên tắc tự nguyện. Nguyên tắc không nhằm mục đích thương mại gồm 2 nội dung chính sau:
Thứ nhất, không trả tiền cho việc hiến xác, BPCT người sau khi chết, tức là không có sự đền bù trực tiếp cho người hiến, họ không có quyền đòi hỏi bất kỳ một sự trả giá nào cũng như không được phép nhận thù lao dưới bất kỳ hình thức nào từ hành vi hiến của mình. Tổ chức nhận, sử dụng, giảng dạy, nghiên cứu khoa học không phải trả bất kỳ khoản tiền nào do việc có được BPCT người.
Thứ hai, nghiêm cấm quảng cáo cho cá nhân hoặc một số tổ chức cụ thể. Nội dung này đòi hỏi hoạt động cung cấp thông tin giới thiệu, môi giới về nhu cầu hiến xác, BPCT cho một cá nhân, một tổ chức mang tính thương mại cụ thể đều bị cấm. Tuy nhiên trong hoạt động này do tính nhạy cảm đặc biệt nên thông tin tuyên truyền là hết sức quan trọng. Sẽ không thể xây dựng thành công được chương trình hiến nếu không thực hiện các hoạt động thông tin tuyên truyền rộng rãi đối với nhân dân. Điều cốt lõi là phải kiểm soát chặt chẽ các thông tin, hạn chế các hiện tượng lách luật, biến tướng thành quảng cáo môi giới thương mại.
4. Tôn trọng cơ thể con người
Tôn trọng cơ thể con người (hay không công cụ hóa cơ thể người) là những nguyên tắc cội rễ của cả ba nguyên tắc trên. Bởi nguyên tắc tôn trọng cơ thể con người vô cùng quan trọng, có sức bao quát tất cả các trường hợp có thể phát sinh trong đời sống dân sự liên quan đến công nghệ y sinh học vốn rất đa dạng và vô cùng ngạy cảm, phức tạp. Chính vì thế mà nó có tác động định hướng tương lai, tìm kiếm sự đồng thuận giữa các quan điểm khác nhau và có giá trị tuyên truyền trong cộng đồng.
Con người là trung tâm ủa mọi hoạt động xã hội. Yếu tố con người luôn được nhấn mạnh, tô đậm, đặt lên hàng đầu. Được tôn trọng cơ thể là quyền của mọi cá nhân, nó là một trong những nội dung cơ bản của quyền con người. Điều này đòi hỏi trách nhiệm của các cơ sở y tế phải khôi phục về mặt thẩm mĩ thi thể sau khi lấy xác, BPCT người đó hay khi không còn nhu cầu sử dụng cho mục đích nghiên cứu, giảng dạy thì mọi BPCT người được tiến hành hủy, thi thể được mai táng, tất cả đều phải được thực hiện với sự trang trọng, kính cẩn.
Việc tôn trọng cơ thể con người không chỉ ở chỗ được bảo vệ bởi cơ chế bất khả xâm phạm mà còn ở chỗ ngăn chặn mọi khả năng công cụ hóa với quy chế phi tài sản cơ thể người. Cơ thể người và bộ phận cấu thành không thể là đối tượng của quyền tài sản.