Những câu hỏi thường gặp trong hiến xác cho khoa học

Cập nhật: 10h10 | 23/07/2018

1.Xác hiến được dùng vào việc gì?

2.Làm thế nào để tôi có thể hiến xác cho Bộ môn Giải phẫu – Học viện Quân y ?

3.Xác hiến có thể dùng để nghiên cứu bệnh mà tôi đang mang hay không?

4.Tôi có thể hiến tạng không? 

5.Tôi có thể hiến xác vào Bộ môn Giải phẫu – Học viện Quân y theo di chúc của tôi hay không?

6.Tôi có thể hiến xác của tôi nếu tôi không có họ hàng hay người đại diện pháp lý không?

7.Gia đình có thể thay mặt tôi để hiến xác của tôi không?

8.Tôi có thể hiến xác của tôi nếu tôi sống ngoài của khu vực Hà Nội không?

9.Tôi không sống trong các khu vực Hà Nội. Vậy chi phí vận chuyển xác hiến sẽ được thanh toán như thế nào?

10.Sau khi tôi ký quyết định hiến xác với Bộ môn Giải phẫu – Học viện Quân y, tôi sẽ làm gì tiếp theo?

11.Mọi việc sẽ diễn ra như thế nào sau khi tôi chết?

12.Nếu tôi đã ký vào đơn hiến xác, Bộ môn Giải phẫu – Học viện Quân y có chắc chắn chấp nhận xác hiến của tôi không?

13.Điều gì xảy ra nếu Bộ môn Giải phẫu – Học viện Quân y không thể chấp nhận xác hiến của tôi?

14.Xác hiến của tôi có thể bị chuyển giao cho tổ chức khác hay không?

15.Điều gì cần phải làm nếu gia đình tôi muốn có một dịch vụ tưởng niệm?

16.Sau quá trình sử dụng, xác hiến  của tôi sẽ được chôn cất hay hỏa táng?

17.Chi phí chôn cất hoặc hỏa táng sẽ được thanh toán như thế nào?

18.Thành viên gia đình của tôi có thể vào Bộ môn Giải phẫu – Học viện Quân y để thăm, xem xác hiến của tôi không?

19.Tôi có những thắc mắc về việc hiến xác vậy tôi có thể thảo luận với ai là đại diện của Bộ môn Giải phẫu – Học viện Quân y?

Tôi có đủ điều kiện hay không?

* Điều kiện về năng lực chủ thể:

Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết là một quyền nhân thân, mặc dù là quyền nhưng không phải cá nhân nào muốn thực hiện đều được mà cá nhân đó phải đạt được những điều kiện nhất định, trong đó có điều kiện về độ tuổi, khả năng nhận thức cũng như điều khiển hành vi . Điều 5 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định:“ Người từ đủ mười tám tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”. Pháp luật nước ta lấy 18 tuổi làm mốc. Việc đòi hỏi về mặt nhận thức nhằm đảm bảo tính tự nguyện của việc hiến xác bởi việc cá nhân quyết định hiến xác sau khi chết không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người hiến mà còn tới xã hội. Cá nhân phải tự mình xác nhận mà không thể thông qua người giám hộ.

* Điều kiện sức khỏe:

Điều kiện sức khỏe chỉ được đặt ra nếu mục đích lấy xác, bộ phận cơ thể để chữa bệnh. Còn sử dụng xác vào mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy chỉ loại trừ một số bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây cho nhân viên y tế hoặc một số bệnh làm thay đổi cấu trúc xác hiến hoặc bộ phận cơ thể hiến (có danh sách kèm theo).

+ Một số bệnh lý mà người hiến mang khiến cho xác hiến không đảm bảo cho việc xử lý, bảo quản và sử dụng.

 

Các bệnh loại trừ

.HIV/AIDS

.Bệnh teo cơ xơ cứng ngoại bì

.Bệnh giun móc

.Bệnh than

.Nhiễm virus qua động vật chân đốt

.Nhiễm khuẩn trâu bò

.Nhiễm Campylobacter (vi khuẩn gram âm gây tiêu chảy cấp)

.Bệnh tả

.Bệnh CJD (bệnh bò điên)

.Hội chứng Rubella bẩm sinh

.Nhiễm virus Ebola

.Viêm não

.Viêm gan virus (tất cả các loại virus)

.Bệnh phong

.Bệnh viêm ruột do nhiễm vibrio parahaemolyticus

.Sốt vàng

.Nhiễm xoắn khuẩn leptospira

.Bệnh xơ cứng nhiều cơ quan

.Viêm màng não cầu

.Cúm gia cầm

.Ho gà

.Bại liệt do virus polio

.Sốt Q

.Bệnh dại

.Nhiễm salmonella

.SARS

.Đậu mùa

.Nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin

.Bệnh uốn ván

.Bệnh lao (tất cả các thể)

.Bệnh thương hàn

.Bệnh sốt mò (tất cả các thể)

.Bệnh khuẩn cầu ruột kháng vancomycin

 

* Điều kiện vị trí địa lý:  người tình nguyện hiến xác có vị trí địa lý quá xa (>500 km) so với đơn vị nhận xác hiến (Học viện Quân y) khiến cho việc vận chuyển, bảo quản là không khả thi.

 

1. Xác hiến được dùng vào việc gì?

Xác hiến sau khi nhận sẽ được bảo quản và phẫu tích để sử dụng làm phương tiện giảng dạy và nghiên cứu cho các học viên tại Học viện Quân y. Được học trên tiêu bản xác thực tế sẽ giúp học viên nắm chắc cấu trúc giải phẫu các cơ quan và mối quan hệ thống nhất của các cơ quan trong cơ thể, là chìa khóa để học viên hiểu biết về cơ thể thật của con người bao gồm cả những biến thể dị thường và cả dị tật bẩm sinh mà xác hiến đang mang, những khía cạnh đó là rất khó truyền đạt trong các bài giảng và sách vở.

2. Làm thế nào để tôi có thể hiến xác cho Bộ môn Giải phẫu – Học viện Quân y?

Nếu người tình nguyện muốn được hiến xác cho Bộ môn Giải phẫu – Học viện Quân y, bước đầu tiên là xác định có đủ điều kiện hay không. Để kiểm tra cụ thể xin liên hệ với (hotline: 01675470741,email: hienxachvqy@gmail.com) trong thời gian 9:00 sáng đến 16:00 chiều từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần hoặc có thể viết thư gửi cho:

Bộ môn Giải phẫu – Học viện Quân y

160 Phùng Hưng – Hà Đông – Hà Nội

Nếu người tình nguyện đủ điều kiện để có thể hiến xác, người tình nguyện sẽ nhận các thông tin về chương trình và các thủ tục cụ thể để sau khi trao đổi với người thân sẽ hoàn thiện bản đăng ký và gửi lại cho chúng tôi.

3. Xác hiến của tôi có thể dùng để nghiên cứu bệnh mà tôi đang mang hay không?

Không. Chương trình của chúng tôi cho phép học viên thực hành và nghiên cứu cấu trúc cơ bản cũng như những biến dị hình thái cấu trúc cơ thể người. Tuy nhiên, chương trình học tập này không được xây dựng để nghiên cứu các bệnh lý. Vậy nên nếu bạn mong muốn cơ thể của mình được sử dụng để nghiên cứu các bệnh lý cụ thể, chúng tôi đề nghị bạn liên hệ với cơ sở y tế hoặc tổ chức nghiên cứu có liên quan.

4.Tôi có thể hiến tạng không? 

Có. Bạn có thể đăng ký theo chương trình của chúng tôi hoặc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép Bộ phận cơ thể người trực thuộc Bộ Y tế. BV Việt Đức (số 40 Tràng Thi, Hà Nội).

 (email:  daottgt@gmail.com, hotline: 0919213508)

5.Tôi có thể hiến xác vào Bộ môn Giải phẫu – Học viện Quân y theo di chúc của tôi hay không?

Không. Học viện chúng tôi rất tiếc vì không thể chấp nhận xác hiến thông qua di chúc của bạn. Để được hiến xác bạn cần phải đăng ký trực tiếp với chúng tôi và điền thông tin đầy đủ theo yêu cầu. Thủ tục giấy tờ này sẽ được chúng tôi xem xét, đánh giá và sau đó sẽ thông báo lại cho bạn. (tải thủ tục hiến xác tại đây)

6.Tôi có thể hiến xác của tôi nếu tôi không có họ hàng hay người thi hành di chúc không?

Có. Quá trình đăng ký yêu cầu bạn xác nhận thân nhân và người thi hành di chúc. Nhưng nếu bạn không có thân nhân và người tiến hành di chúc thì bạn có thể liên hệ với những người ủy thác hoặc giám hộ pháp lý để thực hiện việc xác nhận cho bạn có thể được hiến xác theo mong muốn.

7.Gia đình có thể thay mặt tôi để hiến xác của tôi không?

Học viện chúng tôi có thể chấp nhận xác hiến của bạn khi bạn trực tiếp hoàn thành hết các thủ tục cần thiết và được chúng tôi thông qua hoặc được sự chấp thuận của gia đình bạn sau khi bạn qua đời.

8.Tôi có thể hiến xác nếu tôi sống ngoài của khu vực Hà Nội không?

Do điều kiện vận chuyển và bảo quản xác hiến nên chúng tôi chỉ nhận xác hiến của những trường hợp trong phạm vi bán kính 500 km (tính từ Học viện Quân y). Nếu trường hợp bạn ở ngoài khu vực giới hạn, chúng tôi sẽ có thể giới thiệu bạn với đơn vị gần nơi bạn sinh sống, có nhu cầu nhận xác hiến của bạn. 

9.Tôi không sống trong các khu vực Hà Nội. Vậy chi phí vận chuyển xác hiến sẽ được thanh toán như thế nào?

Chi phí vận chuyển xác hiến hoàn toàn do cơ sở tiếp nhận (Học viện Quân y) chi trả. Học viện Quân y sẽ chuẩn bị 01 xe vận chuyển xác hiến và 01 xe đưa thân nhân (không quá 10 người) đi cùng về Học viện Quân y để tiễn đưa và hoàn thiện những thủ tục cuối cùng bàn giao xác hiến.

10.Sau khi tôi ký quyết định hiến xác với Bộ môn Giải phẫu – Học viện Quân y, tôi sẽ làm gì tiếp theo?

Khi bạn đăng ký hiến xác và được chúng tôi chấp nhận, bạn sẽ nhận được thẻ hiến xác (tải mẫu thẻ hiến xác tại đây). Bạn nên thông báo cho gia đình, y tá, bác sĩ riêng,… ý định của bạn. Mặc dù hiến xác là một ý tưởng tốt, nhưng vì không bắt buộc phải đưa vào di chúc nên đôi khi gia đình lại không hợp tác trong quá trình bàn giao xác hiến. Vì vậy, điều quan trọng là gia đình và người thi hành di chúc hiểu và chấp thuận mong muốn của bạn.

Nếu bạn thay đổi quyết định sau khi đã được chấp nhận hiến xác, bạn hãy thông báo lại cho chúng tôi bằng cách trực tiếp hủy đơn hoặc bằng văn bản có tính chất pháp lý dưới sự hướng dẫn từ nhân viên tư vấn của chúng tôi.

11.Mọi việc sẽ diễn ra như thế nào sau khi tôi chết?

Sau khi bạn chết, tang lễ vẫn sẽ được tiến hành theo như phong tục. Tuy nhiên, để quá trình vận chuyển và bảo quản xác hiến được tốt nhất thì chúng tôi cần nhận được xác hiến trước 12 giờ đồng hồ sau khi chết.

Ngay sau khi nhận được tin, chúng tôi sẽ cử nhân viên đến hỗ trợ gia đình trong việc tang lễ và tiến hành vận chuyển xác hiến về Bộ môn Giải phẫu – Học viện Quân y để tiến hành xử lý.

12.Nếu  đơn hiến xác của tôi đã được chấp thuận, Bộ môn Giải phẫu – Học viện Quân y có chắc chắn chấp nhận xác hiến của tôi không?

Điều này chưa chắc chắn. Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì một số trường hợp khiến chúng tôi không thể tiếp nhận xác hiến sau khi chết vì nếu như bạn gặp một trong những vấn đề sau:

+ Quá 6 giờ kể từ khi chết chúng tôi không nhận được thông báo của gia đình bạn.

+ Xác hiến quá 12 giờ sau khi chết mà chưa được bàn giao cho chúng tôi xử lý

+ Xác hiến bị khám nghiệm tử thi

+ Xác hiến mắc bệnh nằm trong danh mục bệnh loại trừ (tải danh mục Bệnh loại trừ tại đây )

+ Cơ sở vật chất và/hoặc nhân lực của Học viện không thể đáp ứng được việc bảo quản và lưu trữ thêm xác hiến.

+ Gia đình bạn thay đổi quan điểm về việc hiến xác

+ Xác hiến quá xa khiến việc vận chuyển, bảo quản và xử lý xác là bất khả thi.

+ Những tình huống xấu: tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt,… khiến xác hiến không còn toàn vẹn.

13.Điều gì xảy ra nếu Bộ môn Giải phẫu – Học viện Quân y không thể chấp nhận xác hiến của tôi?

Nếu chúng tôi không thể tiếp nhận xác hiến của bạn, chúng tôi sẽ có nhiệm vụ tư vấn cho người thi hành di chúc của bạn tiến hành việc an táng. 

Do vậy, chúng tôi luôn khuyên bạn nên có phương án dự phòng cho việc an táng trong trường hợp chúng tôi không thể tiếp nhận xác hiến của bạn.

14.Xác hiến của tôi có thể bị chuyển giao cho tổ chức khác hay không?

Có những quy định trong việc tiếp nhận, xử lý, bảo quản và sử dụng xác hiến mà chúng tôi sẽ thảo luận với bạn trong quá trình bạn đăng ký. Xác hiến của bạn có thể sẽ được chuyển giao cho một trường y khác nếu được sự chấp thuận của bạn trong bản đăng ký hiến xác hoặc sự chấp thuận của gia đình bạn sau khi bạn qua đời.

Chúng tôi sẽ có trách nhiệm yêu cầu tổ chức tiếp nhận sử dụng đúng mục đích và khi hết thời gian chuyển giao chúng tôi sẽ thu hồi xác hiến.

15.Nếu gia đình tôi muốn tổ chức tang lễ thì sẽ phải làm như thế nào?

Sau khi bạn chết, tang lễ vẫn sẽ có thể được tiến hành, nhưng lưu ý, kế hoạch lễ tang cần phải căn cứ vào điều kiện bảo quản xác hiến (xác hiến cần bàn giao cho cơ sở tiếp nhận trong vòng 12 giờ). 

16.Sau quá trình sử dụng, xác hiến  của tôi sẽ được chôn cất hay hỏa táng?

Bộ môn Giải phẫu – Học viên Quân y tổ chức tổng kiểm tra tiêu bản xác hiến định kỳ 1 năm/lần và có kế hoạch bảo quản, sử dụng xác hiến tối thiểu từ 3 đến 5 năm. Nếu bạn muốn xác hiến được lưu trữ và sử dụng trong khoảng thời gian vượt quá 5 năm thì bạn cần trao đổi và thống nhất với gia đình và người thân trước khi đăng ký với chúng tôi.

Sau quá trình sử dụng xác hiến, tùy theo điều kiện và số lượng xác hiến hoặc mục đích sử dụng cho khoa học khác. Phần thi thể còn lại sẽ được hỏa táng (Nghĩa trang …), chuyển theo nguyện vọng của người hiến như trong đơn.

- Các phương án xử lý dự kiến cho người hiến lựa chọn:

+ Được đặt nơi an táng chung (Nghĩa trang…). Nơi án tang chung sẽ được Văn phòng của Học viện Quân y tiến hành liên hệ và xin cấp hoặc mua.

+ Được trả lại cho gia đình.

- Qui trình xử lý xác hiến sau quá trình sử dụng :

+ Thông báo cho gia đình đã hết thời hạn sử dụng xác, nhắc lại phương án xử lý trong đơn.

+ Thống nhất thời gian sẽ đưa xác hiến tới đài hóa thân….

+ Liên hệ với đài hóa thân.

+ Liên hệ với quản trang của Nghĩa trang (chuyển đến khu vực tập trung).

+ Cử người đi cùng gia đình tới đài hóa thân (02 người).

+ Cử người và xe đưa hài cốt về gia đình (02 người).

+ Thân nhân người hiến tới Học viện Quân y, nhận dạng xác hiến, xác nhận chính xác thì mới đưa xác hiến đi an táng. 

17.Chi phí chôn cất hoặc hỏa táng sẽ được thanh toán như thế nào?

Sau khi xác hiến hết thời hạn sử dụng, chúng tôi sẽ có trách nhiệm hỏa táng và chôn cất tại nơi an táng chung (Nghĩa trang…), hoặc trả lại “tro cốt” cho gia đình (theo đơn tự nguyện hiến xác đã ký với Bộ môn Giải phẫu). Chi phí hỏa táng, chôn cất tại nơi an táng chung sẽ do Học viện Quân y chịu trách nhiệm chi trả.

18.Thành viên gia đình của tôi có thể vào Bộ môn Giải phẫu – Học viện Quân y để thăm, xem xác hiến của tôi không?

Không. Chúng tôi chỉ cho phép thân nhân đến viếng tại phòng tưởng niệm chứ không trực tiếp thăm, xem xác hiến.

19.Tôi có những thắc mắc về việc hiến xác vậy tôi có thể thảo luận với ai là đại diện của Bộ môn Giải phẫu – Học viện Quân y?

Bạn có thể trao đổi những thắc mắc của bạn với chúng tôi qua các hình thức sau:

               - Gọi điện thoại đến số hotline: 01675.470.741

               - Gửi email về địa chỉ: hienxachvqy@gmail.com

             - Trao đổi trực tiếp tại Bộ môn Giải phẫu – Học viện Quân y, địa chỉ: 160 Phùng Hưng, Phúc La, Hà Đông, Hà Nội trong giờ hành chính.


CHUYÊN TRANG TƯ VẤN HIẾN XÁC - HỌC VIỆN QUÂN Y
Địa chỉ: Số 160 - Đường Phùng Hưng - Phường Phúc La - Quận Hà Đông - Thành phố Hà Nội
Phụ trách: Đại tá PGS.TS. Trần Ngọc Anh - Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu
Giấy phép số 122/GP-TTĐT ngày 23/09/2008 của Bộ TT&TT
® Cổng TTĐT đa năng T-Portal - Phiên bản 1.0