Điều kiện và trình tự, thủ tục của cá nhân thực hiện quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết

Cập nhật: 9h59 | 23/07/2018

1. Điều kiện của cá nhân thực hiện quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết

1.1. Điều kiện về năng lực chủ thể:

Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết là một quyền nhân thân, mặc dù là quyền nhưng không phải cá nhân nào muốn thực hiện đều được mà cá nhân đó phải đạt được những điều kiện nhất định, trong đó có điều kiện về độ tuổi, khả năng nhận thức cũng như điều khiển hành vi . Điều 5 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 (tải về tại mục Tài liệu – Hướng dẫn) quy định:“ Người từ đủ mười tám tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”. Pháp luật nước ta lấy 18 tuổi làm mốc. Việc đòi hỏi về mặt nhận thức nhằm đảm bảo tính tự nguyện của việc hiến xác bởi việc cá nhân quyết định hiến xác sau khi chết không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người hiến mà còn tới xã hội. Cá nhân phải tự mình xác nhận mà không thể thông qua người giám hộ.

1.2. Điều kiện sức khỏe:

Điều kiện sức khỏe chỉ được đặt ra nếu mục đích lấy xác, bộ phận cơ thể để chữa bệnh. Còn sử dụng xác vào mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy thì chỉ loại trừ một số bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây cho nhân viên y tế hoặc một số bệnh làm thay đổi cấu trúc xác hiến hoặc bộ phận cơ thể hiến (có danh sách kèm theo).

1. 3. Điều kiện vị trí địa lý:

Người tình nguyện hiến xác có vị trí địa lý quá xa (>500 km) so với đơn vị nhận xác hiến (Học viện Quân y) khiến cho việc vận chuyển, bảo quản là không khả thi.

2. Trình tự, thủ tục thực hiện quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết

Điều 19 - Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006  Điều 20: Thủ tục thay đổi, hủy bỏ đơn đăng kí hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết và hiến xác đã quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết.

Như vậy, để đăng ký hiến xác sau khi chết, người có ý định hiến xác sau khi chết cần bày tỏ nguyện vọng của mình với bất kỳ cơ sở y tế nào gần nhất để cơ sở y tế đó thông báo cho các đơn vị có liên quan tiến hành các thủ tục đăng ký hiến cho người hiến. Mẫu đơn đăng ký hiến xác được quy định cụ thể tại Quyết định số 07/2008/QĐ-BYT ngày 12 tháng 2 năm 2008 (tải về tại mục Tài liệu - Hướng dẫn)

Nhằm đảm bảo tối đa nguyên tắc tự nguyện, pháp luật cũng quy định cá nhân có quyền thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký tự nguyện hiến xác sau khi chết (Điều 20), việc thay đổi hoặc hủy bỏ ý nguyện này cũng được thể hiện dưới hình thức đơn thay đổi hoặc đơn hủy bỏ (tải về tại mục Tài liệu - Hướng dẫn), việc thay đổi hoặc hủy bỏ đó có hiệu lực ngay lập tức kể từ khi cơ sở y tế nhân được đơn thay đổi hoặc hủy bỏ đăng ký hiến xác. Quy định này nhằm tôn trọng quyền định đoạt ý chí của người hiến, sự thay đổi của người hiến được coi là hợp pháp.

3. Quyền lợi của cá nhân hiến xác và bộ phận cơ thể sau khi chết

Xuất phát từ đặc thù của việc hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết là hoàn toàn  tự nguyện, không có bất kỳ một lợi ích vật chất nào khác nên người hiến không có quyền lợi nào về mặt vật chất; đương nhiên họ cũng không phải chịu nghĩa vụ nào, quyền của họ là các giá trị đơn thuần và chỉ được xác lập khi họ đã chết.


CHUYÊN TRANG TƯ VẤN HIẾN XÁC - HỌC VIỆN QUÂN Y
Địa chỉ: Số 160 - Đường Phùng Hưng - Phường Phúc La - Quận Hà Đông - Thành phố Hà Nội
Phụ trách: Đại tá PGS.TS. Trần Ngọc Anh - Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu
Giấy phép số 122/GP-TTĐT ngày 23/09/2008 của Bộ TT&TT
® Cổng TTĐT đa năng T-Portal - Phiên bản 1.0