Chẩn đoán giải phẫu bệnh trong ung thư

10h7 | 05/07/2016

Ảnh minh họa

Chẩn đoán giải phẫu bệnh các bệnh ung thư giữ vai trò quan trọng trong việc điều trị và tiên lượng bệnh (dự báo sự diễn biến của bệnh). Chẩn đoán giải phẫu bệnh dựa trên việc xem xét các mẫu bệnh phẩm (mô u) đã được cố định trong formol, chuyển đúc trong nến (paraffin), cắt thành các lát cắt rất mỏng, chỉ 3 đến 4 micromet và nhuộm màu bằng nhiều phương pháp khác nhau.

 

Nhờ việc xem xét kỹ hình thái các tế bào và các cách sắp xếp của chúng, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ xác định mô được xét nghiệm là lành tính hay ung thư. Thường chẩn đoán này được coi là tiêu chuẩn vàng, nghĩa là độ chính xác rất cao. Trong những trường hợp điển hình, bác sĩ giải phẫu bênh dễ dàng đưa ra các chẩn đoán chính xác để các bác sĩ ung thư học lựa chọn biện pháp điều trị thích hợp. Tuy nhiên nhiều trường hợp rất khó, để phân biệt giữa u lành và ác tính và định loại ung thư, cần phải làm các xét nghiệm bổ sung, đặc biệt là một xét nghiệm mới phát triển mạnh hơn một thập kỷ qua được gọi là kỹ thuật hoá mô miễn dịch. Kỹ thuật này sử dụng các kháng thể đơn dòng để xác định các thành phần protein khác nhau của tế bào và mô được gọi là các dấu ấn miễn dịch. Chi phí cho một xét nghiệm hoá mô miễn dịch có thể cao nhưng lợi ích mà nó mang lại cho người bệnh là rất lớn, có thể tránh được những cách điều trị không đúng, bảo vệ được sức khoẻ cho bệnh nhân và tiết kiệm được rất nhiều tiền. Sẽ rất nguy hiểm nếu xảy ra chẩn đoán dương tính giả, nghĩa là trường hợp không phải ung thư nhưng bị chẩn đoán là ung thư. Các biện pháp điều trị ung thư rất độc hại, do đó chẩn đoán đương tính giả là cực kỳ nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt ảnh hưởng đến tinh thần và sức khoẻ của người bệnh. Đã có trường hợp chồng một bệnh nhân phải mang tiêu bản đi hội chẩn ở nhiều cơ sở giải phẫu bệnh, qua mười bác sĩ chuyên ngành với ba chẩn đoán khác nhau trong đó có chẩn đoán là ung thư, các thành viên trong gia đình sống trong tình trạng bi đát suốt hai tháng trời để rồi cuối cùng mới yên tâm với một chẩn đoán đáng tin cậy nhất là u lành. Môt trường hợp khác bệnh nhân cũng qua hai giáo sư ở hai bệnh viện lớn, một giáo sư chẩn đoán là bệnh viêm trong khi một giáo sư khác chẩn đoán là sacôm cơ vân. Nếu theo giáo sư đầu tiên thì chỉ càn dùng kháng sinh, nhưng theo giáo sư thứ hai thì phải cắt cụt chân. May thay bệnh nhân đã được các bác sĩ chuyên ngành giải phẫu bệnh của một bệnh viện chuyên khoa ung thư chẩn đoán lại là u lympho và bệnh nhân đã được điều trị hoá chất có kết quả, không phải cắt cụt chân. Còn nguy hiểm hơn nữa là một số bác sĩ mổ u nhưng không gửi xét nghiệm giải phẫu bệnh hoặc không có điêu kiện để gửi xét nghiệm vì địa phương không có phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh. Qua đây mới thấy việc kiểm tra lại kết quả giải phẫu bệnh tại các cơ sở trực tiếp điều trị ung thư là cần thiết và bệnh nhân không nên coi đây là việc gây phiền hà của các bác sĩ chuyên ngành ung thư. Đôi khi các bác sĩ lâm sàng còn chia đôi bệnh phẩm để gửi đi hai cơ sở giải phẫu bệnh. Đây là việc không nên làm. Chỉ nên gửi bệnh phẩm đến một cơ sở giải phẫu bệnh chẩn đoán. Nếu còn băn khoăn về chẩn đoán thì có thể mượn tiêu bản đi hội chẩn ở nơi khác. Phải nói rằng chẩn đoán giải phẫu bệnh trong một số trường hợp là rất khó, người bác sĩ giải phẫu bênh phải có thái độ thực sự cầu thị. Ở đây không có chuyện “nghề này thì lấy ông này giáo sư”. Phải có được các tập thể bác sĩ có kinh nghiệm trong chẩn đoán, hợp tác một cách khoa học, có sách, cập nhật thường xuyên kiến thức qua mạng, được đầu tư các kỹ thuật hiện đại, đặc biệt hoá mô miễn dịch. Sách chuyên môn có hình ảnh là rất cần cho chuyên ngành này nhưng vì số bác sĩ chuyên khoa quá ít nên viết sách nhưng không in được. Tại Việt nam, số bác sĩ chuyên ngành giải phẫu còn quá ít, chỉ tới số hàng trăm người, trong khi tại Hoa kỳ có khoảng mười lăm nghìn bác sĩ giải phẫu bệnh ngoại khoa và bảy mươi nhăm nghìn bác sĩ giải phẫu bệnh lâm sàng làm thêm cả các xét nghiệm sinh hoá và vi sinh. Do đó các cơ sở giải phẫu bệnh và nghiên cứu về ung thư cũng cần được sự tài trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cho việc mua hoá chất nghiên cứu, phát triển kỹ thuật và in sách. Một điều cũng cần nói đến là rất nhiều bác sĩ giải phẫu bệnh rất tận tâm với ngành nghề nhưng phải chịu rất nhiều thiệt thòi do môi trường làm việc độc hại. Số người bị bệnh ung thư trong ngành khá cao, chỉ tính riêng mấy cơ sở giải phẫu bệnh ở Hà nội, mỗi cơ sở đã có từ 1 đến 3 người bị ung thư, trong khi đó số biên chế chỉ trong giới hạn từ mười  đến hai mươi người. Nguyên nhân một phần là do các hoá chất sử  để xử lý bệnh phẩm là những chất độc. Người viết bài này mong nhận được chia xẻ và đóng góp ý kiến của bạn đọc.

 


PGS.TS. Lê Đình Roanh

TIN MỚI



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI HÌNH THÁI HỌC VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 160 - Đường Phùng Hưng - Phường Phúc La - Quận Hà Đông - Thành phố Hà Nội
Trưởng ban biên tập: GS. TS. Lê Gia Vinh
Giấy phép số 122/GP-TTĐT ngày 23/09/2008 của Bộ TT&TT
® Cổng TTĐT đa năng T-Portal - Phiên bản 1.0