Đại cương hệ vận động

10h2 | 05/07/2016

Ảnh minh họa

Quá trình phát triển của con người tồn tại ba loại vận động: vận động kiểu amíp (của bạch cầu ), vận động kiểu luân chuyển (của biểu mô ) và vận động do sức co của các cơ (cơ vân làm cho các bộ phận của cơ thể và cơ thể chuyển động, cơ trơn làm cho các tạng và mạch máu hoạt động).

Hệ vận động của cơ thể gồm 2 phần: phần hoạt động chủ động là cơ và phần vận động thụ động là xương, khớp.

1. Hệ xương

1.1. Nhiệm vụ

- Xương có ba nhiệm vụ chính là bảo vệ, nâng đỡ và vận động.

+ Bảo vệ (hộp sọ bảo vệ não, lồng ngực bảo vệ tim phổi, ống sống bảo vệ tuỷ sống….).

+ Nâng đỡ cơ thể (cột sống là trụ cột, là chỗ dựa vững chắc cho các xương khác).

+ Vận động: xương vận động thụ động nhờ sự co của các cơ, xương được coi như một đòn bẩy của quá trình vận động.

- Ngoài ra xương còn có chức năng khác:

+ Tạo máu: sản sinh ra hồng cầu. Ở trẻ em phần lớn các xương đều tham gia tạo máu, ở người lớn thì một số xương không tham gia vào quá trình tạo máu nữa (xương có tuỷ xương màu vàng do tích mỡ). Một số xương tham gia tạo máu có tuỷ xương màu đỏ (xương ức, xương mào chậu )→ ứng dụng: chọc làm tuỷ đồ để xét nghiệm chẩn đoán xem có tế bào ung thư không và khi bị ung thư tuỷ xương → điều trị thay tuỷ).

+ Trao đổi chất sắt và canxi.

1.2. Thành phần của bộ xương

Bộ xương người gồm 208 xương (phần lớn là xương đôi ); Gồm có:

- Xương thân mình: 33 đốt sống, 12 đôi sườn, xương ức, khung chậu.

- Xương sọ não, sọ mặt: 8 xương sọ não và 14 xương sọ mặt.

- Xương chi trên (xương đòn, xương vai, xương cánh tay, xương cẳng tay,cổ tay, bàn tay và các đốt ngón tay).

- Xương chi dưới (xương đùi, xương cẳng chân, cổ chân, bàn chân và ngón chân).

1.3. Hinh thể ngoài của xương

* Phân loại xương: có nhiều cách phân loại

- Theo hình thể:

+ Xương dài (xương cánh, xương cẳng tay; xương đùi, xương cẳng chân ).

+ Xương ngắn (xương bàn tay, bàn chân, ngón tay, ngón chân).

+ Xương dẹt (xương sọ, xương ức ).

+ Xương khó định hình (xương hàm trên, gò má, xương sàng).

+ Xương vừng.

- Theo nguồn gốc phát triển và cấu trúc:

+ Xương phát triển từ cấu trúc màng liên kết: xương sọ mặt.

+ Xương phát triển từ mô sụn (xương sụn): xương tứ chi, cột sống, ức, sườn.

* Hình thể ngoài

Xưong có chỗ lồi, chỗ lõm. Xương trẻ em nhẵn nhụi hơn xương người lớn; xương phụ nữ và người ít lao động cơ bắp hoặc ít rèn luyện nhẵn hơn xương con trai và người lao động cơ bắp.

Sự lồi lõm được chia làm hai loại:

-         Loại tiếp khớp (diện khớp )

+ Lõm : ổ chảo, ổ cối.

+ Lồi: chỏm, lồi cầu, ròng rọc.

-         Loại không tiếp khớp (diện không khớp): lồi (gọi là lồi củ); nhọn, sắc (gai), lõm( rãnh, khe, ống, khuyết ….).

-         Tạo nên

+ Chỗ lồi, lõm là do các cơ bám và sự hoạt  động của các cơ.

+ Khe, rãnh, ống là do mạch máu thần kinh đi qua tạo nên.

1.4. Hình thể trong

Gồm:

- Xương đặc: mịn, rắn, chắc, màu vàng nhạt, bao quanh thân, tạo ống xương (dầy ở quãng giữa, mỏng ở hai đầu với xương dài. Còn xuơng dẹt thì xương đặc tạo hai bản (bản ngoài dày và chắc; bản trong mỏng và dễ vỡ).

- Xương xốp: ở trong xương đặc, gồm các bè xương bắt chéo chằng chịt để hở những hốc nhỏ (trong chứa tuỷ đỏ). Các bè xương hướng theo một chiều nhất định phù hợp với chức năng xương.

- Cốt mạc (màng xương): là một lớp màng liên kết mỏng, chắc bao phủ toàn bộ mặt ngoài xương (trừ diện khớp ). Gồm 2 lá:

+ Lá ngoài: tác dụng che chở xương (có nhiều mạch máu thần kinh).

+ Lá trong: tác dụng sinh xương, có nhiều mạch máu thần kinh và nhiều tế bào non làm xương dày thêm và phát triển bề ngang.

- Ống tuỷ: ở xương dài cũng như các bè xương trong xương xốp có tác dụng làm xương nhẹ bớt và nâng sức chống đỡ của xương với sức ép, kéo. Trong ống tuỷ và hốc giữa các bè xương có chứa tuỷ xương (có hai loại: tuỷ đỏ có nhiều mạch máu, cơ bản là tổ chức lưới nội mô; tuỷ vàng có nhiều tế bào mỡ).

- Mạch máu:

+  Mạch nuôi xương từ biểu bì chui vào xương, tới ống tuỷ.

+ Mạch nhỏ của cốt mạc ở thân, đầu, xung quanh các diện khớp.

1.5. Sự tái tạo xương

Khi xương gãy dẫn tới ở đầu và giữa 2 đoạn gãy sẽ phát triển một khối tổ chức liên kết (do cốt mạc, cân, cơ, mạch máu, tuỷ xương sinh ra) tạo ra quá trinh can xương (không qua thời kỳ sụn). Trường hợp hai đoạn xương không ghép lại gần nhau dẫn tới hình thành tổ chức sụn và tạo thành khớp giả.

2. Hệ khớp

* Khớp là nơi mà các đầu xương hay các bờ xương tiếp khớp với nhau. Ở phôi thai, khớp là các mô liên kết hay mô sụn. Các tổ chức này sẽ biến đổi tiếp theo tuỳ theo chức năng của xương:

- Nếu là xương dùng để bảo vệ thì khớp rất chặt (khớp bất động)

- Nếu là xương vận động nhiều thì giữa các đầu xương có một khoảng giúp cho xương cử động dễ dàng, tạo nên khớp động.

- Nếu là xương vận động ít tạo nên khớp bán động.

* Phân loại:  3 loại

- Khớp bất động: là khớp không có ổ khớp, chúng được liên kết với nhau bằng tổ chức sụn hay tổ chức sợi hoặc xương. Tuỳ theo thời gian phát triển, tổ chức liên kết này tiêu biến đi, chỉ còn lại tổ chức xương: khớp ở xương sọ và mặt.

Gồm:

+ Khớp bất đông sợi: khớp trán – đỉnh; đỉnh – chẩm; khớp giữa hai sống mũi.

+ Khớp bất động sụn: giữa xương sườn và xươnng ức; thân bướm – chẩm.

- Khớp bán động: là khớp cử động được rất ít, có khe khớp, bao khớp, nhưng không có bao hoạt dịch: Khớp mu, khớp gian đốt sống.

- Khớp động: là khớp cử động được rất nhiều. Khớp động có đủ cả khe khớp, bao khớp, bao hoạt dịch.

3. Hệ cơ

Cơ được chia làm ba loại theo chức năng và sự chi phối của thần kinh là:

- Cơ vân xương; là cơ hoạt động theo ý muốn, do thần kinh động vật chi phối, có các đầu bám vào xương; cấu tạo có những vân sáng, tối.

- Cơ trơn là cơ hoạt động không theo ý muốn, do thần kinh thực vật chi phối; là cơ của nội tạng và mạch máu, cấu tạo không có vân sáng, tối (cơ tử cung, cơ dạ dày ..)

- Cơ tim: có cấu tạo tương tự như cơ vân xương nhưng hoạt động tương đối giống cơ trơn.

3.1. Phân phối các cơ

- Cơ được sắp xếp từng đôi một, đối xứng hai bên giống nhau.

- Cơ còn giữ dấu vết của sự phân đốt: cơ liên sườn, cơ thẳng bụng.

- Cơ được sắp xếp theo đưòng ngắng nhất giữa hai điểm bám.

- Các sợi cơ vân được sắp xếp thẳng góc với trục quay của khớp.

3.2. Phân loại cơ và tên gọi các cơ

- Mỗi cơ vân đều có phần thịt và phần gân. Phần thịt tạo nên thân cơ, màu đỏ nâu; bám vào hai đầu xương là các sợi gân.

- Gân là tổ chức liên kết dày đặc, màu ngà, thường hình thon. Khi ở một cơ rộng gân toả rộng gọi là cân.

- Một số cơ có nhiều đầu bám vào xương, mỗi đầu là một bó cơ (cơ nhị đầu, cơ tam đầu, cơ tứ đầu).

3.3. Các tổ chức phụ thuộc vào cơ

     - Cân là một tổ chức liên kết bao bọc một nhóm cơ hay tất cả cơ ở một vùng.

     - Bao hoạt dich là các túi thanh mạc bao bọc quanh gân.

- Túi thanh dịch là một túi kín trong đó có chất nhầy, nằm đệm giữa hai cơ, giữa cơ và xương hay giữa xương và gân.

- Ròng rọc: ở chỗ gân thay đổi hướng thường có một ròng rọc, gân sẽ đi qua đó.

- Xương vừng: nằm ở trong gân, gần chỗ bán vào xương, làm tăng góc bám của gân vào xương → tăng sức mạnh của cơ.

3.4. Chức năng

- Hệ cơ có chức năng quan trọng trong việc cử động và di chuyển, bảo đảm hoạt động của các cơ quan hô hấp, dinh dưỡng, bài tiết, tiếng nói  và biểu lộ tình cảm của con người.

- Hệ cơ là yếu tố quyết định hình dạng bên ngoài, biểu thị sức mạch của cơ thể.

- Hoạt động của cơ là co rút làm cho cơ thể cử động được và đảm bảo cho các tạng hoạt động; hoạt động của cơ giúp giữ được thân nhiệt và ảnh hưởng nhiều tới quá trình sinh lý.

 

- Cơ hơi co giúp cơ thể giữ vững được tư thế.

TIN MỚI



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI HÌNH THÁI HỌC VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 160 - Đường Phùng Hưng - Phường Phúc La - Quận Hà Đông - Thành phố Hà Nội
Trưởng ban biên tập: GS. TS. Lê Gia Vinh
Giấy phép số 122/GP-TTĐT ngày 23/09/2008 của Bộ TT&TT
® Cổng TTĐT đa năng T-Portal - Phiên bản 1.0