DÂY MƯỚP KHÍA

Cập nhật: 14h5 | 04/09/2013

Theo Đông y Mướp khía có vị ngọt, tính bình, thanh nhiệt thải độc, trừ đờm, chữa ho hen, ung nhọt, tắc sữa, táo bón... có thể sử dụng cả hạt, rễ, lá, vỏ, hoa và nụ.

DÂY MƯỚP KHÍA

1. Tên gọi khác: Mướp tàu. 

2. Tên tiếng Anh: Angled luffa, Ridged luffa, Vegetable Gourd, Silk squash.

3. Tên khoa học: Luffa acutangula (L.) Roxb.

-Tên đồng nghĩa:

-Các loài tương cận:

-Mướp hương (Luffa aegyptiaca).

-Mướp xơ (Luffa operculata).

Phân loại khoa học

Giới (regnum):

Thực vật (Plantae)

Ngành (divisio):

Thực vật có hoa (Magnoliophyta)

Lớp (class):

Thực vật hai lá mầm (Magnoliopsida)

Bộ (ordo):

Bầu bí (Cucurbitales)

Họ (familia):

Bầu bí (Cucurbitaceae)

Chi (genus):

Mướp (Luffa)

Loài (species):

Luffa acutangula

4. Phân bố

Chi Mướp (Luffa) bao gồm các loài dây leo sống một năm ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Chi này được biết có 5 loài với khoảng 8 giống (varieties), trong đó có ít nhất 2 loài được dùng làm rau ăn quả phổ biến ở Châu Á và Châu Phi đó là:

-Loài Mướp hương, mướp Ai Cập (Luffa aegyptiaca) với 2 giống.

-Loài Mướp khía, mướp tàu (Luffa acutangula) với 3 giống.

Tên Latin của Chi mướp (Luffa) được các nhà phân loại Châu Âu đặt từ thế kỷ thứ 18 từ nguồn gốc tên chữ Á Rập “lūf ”.

Cây mướp khía (Luffa acutangula) có nguồn gốc xuất xứ từ các nước Á Rập,  phân bố từ Trung Á đến Đông Á và Đông Nam Á, ngoài ra còn được trồng trong nhà kín ở nơi có khí hậu lạnh. Loài cây này cũng được trồng ở Nam Á và Châu Phi.

Ở Việt Nam cây mướp khía được trồng trong cả nước.

5. Mô tả

Mướp khía là một loại cây thảo dạng dây leo sống hằng năm. 

+ Thân: Dây leo dài 3m đến 6m, phân nhánh nhiều, thân to tới 2 cm, có nhiều rãnh.

+ Lá: Lá đơn mọc so le, màu lục, dạng tim, dài 15-20 cm hay hơn tới 30 cm và rộng tới 25 cm, mép lá có răng to; tua cuốn chia 5 nhánh.

+ Hoa: Hoa đơn tính, các hoa đực mọc thành chùm, mỗi hoa đều có một lá bắc màu lục; đài hoa màu trắng lục dính nhau ở gốc; các cánh hoa màu vàng sáng, cũng dính nhau ở gốc. Có 5 nhị, một nhị rời và 4 nhị có chỉ nhị dính nhau từng đôi một. Hoa cái mọc đơn độc, có bao hoa như hoa đực; vòi nhuỵ ngắn mang đầu nhuỵ hợp bởi 3 núm có lông mềm màu vàng; bầu dài 3–5 cm, đường kính 1 cm.

Hoa mọc mùa hè thu.

+ Quả: Hình dạng quả tương tự quả dưa chuột. Quả lớn hình chùy dài 30-40 cm, đường kính 7-10 cm, có 10 cạnh nhọn dọc theo quả.

+ Hạt: Hạt chín màu đen, sần sùi.

Cây mướp khía được trồng để lấy quả xanh và được dùng như một loại rau. Xơ từ quả chín được dùng làm vật cọ rửa.

Mướp khía cũng được sử dụng trong đông y.

6. Thành phần hóa học

Quả chứa một chất đắng là luffin; còn có các acid amin tự do: arginin, glycin, threonin, acid glutamic, leucin.

Hạt chứa dầu 19,9%; hạt chín chứa các chất đắng; cucurbitacin B, O, C và H. Hạt còn chứa một saponin glucosid, enzym và một dầu cố định; dầu này gây tiết nước bọt, nôn mửa và xổ cho chó thí nghiệm.

Rễ chứa cucurbitacin B và các vết của cucurbitacin C.

7. Công dụng

+Theo Đông y

Mướp khía có vị ngọt, tính bình, thanh nhiệt thải độc, trừ đờm, chữa ho hen, ung nhọt, tắc sữa, táo bón... có thể sử dụng cả hạt, rễ, lá, vỏ, hoa và nụ.

Trong Đông y, xơ mướp dùng trị gân cốt tê đau, đau ngực sườn, bế kinh, sữa không thông, viêm tuyến sữa, thuỷ thũng. Lá dùng trị ho, ho gà, nắng nóng khát nước vào mùa hè, đắp tại chỗ trị trĩ và phong hủi, dùng ngoài trị chảy máu ở các vết thương, chốc lở, bệnh mụn, ở Ấn Độ người ta dùng dịch lá tươi trị đau mắt hột. Hạt dùng trị ho nhiều đờm, sát trùng và đi tiểu khó. Thân dùng trị đau thắt lưng, ho, viêm mũi, viêm khí quản. Rễ dùng trị viêm mũi, viêm các xoang phụ của mũi, nấu nước rửa chỗ lở ngứa chảy nước.

Bộ phận dùng: Toàn cây hay chỉ dùng xơ mướp (Retinervus Luffae Fructus), gọi là Ty qua lạc. Dây, lá và hạt cũng được dùng.

Tính vị, tác dụng:

- Lá mướp khía có vị đắng và chua, tính hơi hàn; có tác dụng chỉ huyết, thanh nhiệt giải độc.

Lá dùng trị ho, ho gà, nắng nóng khát nước vào mùa hè; dùng ngoài trị chảy máu ở các vết thương, ecpet, mảng tròn, chốc lở, bệnh mụn.

Ở Ấn Độ, dịch lá tươi cho vào mắt trị đau mắt hột; lá tươi giã ra đắp tại chỗ trị viêm lách, trĩ và phong hủi.

- Hạt mướp khía có vị hơi ngọt, tính bình; có tác dụng tiêu nhiệt hoá đàm, nhuận táo, sát trùng.

Hạt mướp khía dùng trị ho nhiều đờm, sát trùng, đái khó;

- Dây mướp khía có vị ngọt, tính bình; có tác dụng thông kinh hoạt lạc, chỉ khái hoá đàm.

Dây dùng trị đau thắt lưng, ho, viêm mũi, viêm khí quản.

- Rễ mướp khía có vị ngọt, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt giải độc.

Rễ mướp khía dùng trị viêm mũi, viêm các xoang phụ của mũi, dùng nấu nước rửa chỗ lở ngứa chảy nước.

- Xơ mướp khía có vị ngọt, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết thông lạc, lợi niệu tiêu thũng.

Xơ mướp khía dùng trị gân cốt tê đau, đau ngực sườn, bế kinh, sữa không thông, viêm tuyến sữa, thuỷ thũng.

Các bài thuốc từ cây mướp khía

1- Dùng mướp khía có nhiều chất bổ dưỡng

Trong thành phần của mướp khía, người ta tìm thấy một lượng lớn chất xơ và các dưỡng chất có lợi cho sức khỏe như vitamin C, riboflavin, kẽm, thiamin, sắt và magan. Thêm vào đó, mướp khía còn chứa rất ít chất béo, ít calorie, thích hợp với những người mỡ máu cao. (Theo Lương y Khổng Thu Hà -Sức Khỏe Gia Đình).

2- Trị chứng vàng da

Vàng da là một dạng bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ hoặc những người mắc chứng bệnh gan. Theo Đông y, nước của mướp khía có thể có tác dụng chữa vàng da rất hiệu quả. Hoặc bạn cũng có thể dùng bột từ hạt và vỏ mướp để chữa vàng da cũng mang lại tác dụng tương tự. (Theo Lương y Khổng Thu Hà -Sức Khỏe Gia Đình).

3- Tăng cường miễn dịch

Hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu chính là nguyên nhân hàng đầu khiến bạn bị mắc phải các chứng bệnh viêm nhiễm, các chứng bệnh do virus tấn công. Việc cải thiện và tăng cường chức năng hệ miễn dịch không hề khó, những gì bạn cần làm là chăm chỉ ăn các món chế biến từ mướp khía hoặc uống nước ép mướp khía. (Theo Lương y Khổng Thu Hà -Sức Khỏe Gia Đình).

4- “Lọc” sạch máu

Bạn nên tăng cường thêm các món ăn từ mướp khía vào thực đơn hàng ngày của nhà mình. Bởi mướp khía có khả năng thanh lọc máu rất tốt, hỗ trợ chức năng lọc máu của gan. Đồng thời hạn chế nguy cơ gan bị nhiễm độc từ những thực phẩm, đồ uống chứa độc tố. (Theo Lương y Khổng Thu Hà -Sức Khỏe Gia Đình).

5- Mướp khía tốt cho bệnh nhân tiểu đường

Trong thành phần của mướp khía có chứa insulin dạng peptides, alkaloids và dạng charantin, có tác dụng làm giảm mức đường huyết của máu, có lợi cho bệnh nhân tiểu đường và sức khỏe nói chung. (Theo Lương y Khổng Thu Hà -Sức Khỏe Gia Đình).

6- Bảo vệ hệ tiêu hóa

Celulozo trong mướp khía giúp bạn phòng tránh chứng bệnh táo bón và kích thích tiêu hóa. Chính vì thế, nếu bạn là “nạn nhân” của chứng táo bón thì đừng quên bổ sung mướp khía vào trong chế độ ăn uống thường ngày. (Theo Lương y Khổng Thu Hà -Sức Khỏe Gia Đình).

7- Hỗ trợ giảm cân

Như đã biết mướp khía có chứa rất ít chất béo và calorie, không có cholesterol lại rất dồi dào chất xơ và chứa nhiều nước nên rất phù hợp với những người đang ăn kiêng. Trong 100g mướp khía đã qua chế biến chỉ có chứa 60 đơn vị calorie, vậy nên có thể xem mướp khía như một loại thực phẩm “vàng” có tác dụng hỗ trợ giảm cân. (Theo Lương y Khổng Thu Hà -Sức Khỏe Gia Đình).

8- Rễ Mướp dùng trị viêm mũi, viêm các xoang phụ của mũi

Dùng nấu nước rửa chỗ lở ngứa chảy nước. Liều dùng: Xơ, lá 10-15g, dây 30-60g, rễ 15-30g, dạng thuốc sắc. (theo dong-y.net).

 Lưu ý! Những người có hệ tiêu hóa yếu, hay đau bụng, đại tiện không tốt, không nên ăn nhiều mướp khía.

 

 

Tin cùng chuyên mục