Hy vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn: Không “tinh binh” vẫn được làm cha

5h27 | 28/10/2022

Nhân viên trung tâm công nghệ phôi làm xét nghiệm tinh binh.

(laodong.vn) - Người xưa có câu “Nhìn mặt mà bắt hình dong” nhưng với những người trục trặc sinh lý thì câu này lại không phù hợp. Có những người đàn ông nhìn bên ngoài khỏe mạnh nhưng không có khả năng hoàn thành "nhiệm vụ" của mình. Họ đã phải nhờ vào sự thành công của y học để được làm cha. Bằng việc áp dụng kỹ thuật nuôi cấy tinh tử, Trung tâm công nghệ phôi (Học viện Quân y) đã mang lại hạnh phúc cho hàng chục gia đình...

 

Hạnh phúc cuối đường hầm

Bạn bè đã có con chạy ton ton mà vợ chồng anh Lưu Văn C và chị Hoàng Thị L (ở Bắc Giang) vẫn chưa được nghe tiếng trẻ. Nhiều năm trôi qua, hai bên gia đình chờ có tin vui, nhưng càng mong càng không thấy. Mong đợi, hy vọng, rồi lại thất vọng. Hai vợ chồng đưa nhau đi khám hết viện này đến viện khác. Bác sĩ kết luận, anh C không có khả năng làm bố, nguyên nhân do căn bệnh quai bị lúc còn nhỏ. Vợ chồng anh ôm nỗi buồn ra về. Sau đó, nghe người này người kia mách nước, hai vợ chồng đưa nhau xuống Học viện Quân y thử vận may.

Xét nghiệm tinh dịch đồ của anh C cho thấy, anh hoàn toàn vô vọng trong việc sinh con bằng phương pháp tự nhiên. Thậm chí, sử dụng các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cho các cặp hiếm muộn khả năng thành công cũng rất thấp. Đơn giản vì anh không có tinh trùng. Các bác sĩ của Trung tâm công nghệ phôi (Học viện Quân y) giải thích rằng, tinh trùng của người bình thường có cả thân và đuôi nhưng của anh C tròn vo, chẳng có hình thù. Hy vọng cuối cùng là áp dụng nuôi cấy tinh tử thành tinh trùng để tạo phôi trong ống nghiệm.

Những tia hy vọng đã giúp hai vợ chồng lấy lại tinh thần. Còn nước còn tát, hai vợ chồng lại theo các bác sĩ Học viện Quân y. Y lời bác sĩ dặn, anh C kiên trì uống thuốc kích thích sinh tinh trong 3 tháng. Anh uống thuốc đầy đủ và không lãng phí “tài nguyên”. Sau 3 tháng, vợ chồng anh C lại đưa nhau xuống bệnh viện. Lúc này, các bác sĩ sinh thiết phần tinh hoàn. Mảnh tinh hoàn này sẽ được thực hiện tách tế bào dưới kính hiển vi để nuôi cấy tinh tử. Sau thời gian nuôi cấy tinh tử, khoảng 3 ngày, bác sĩ sẽ chọn những tinh tử nào có hình thái đẹp, khỏe (tức là phát triển thành tinh trùng có đuôi để di chuyển) bơm vào trứng của người vợ đã được lấy sẵn.

Quá trình tiếp theo được thực hiện như thụ tinh trong ống nghiệm. Tinh trùng (nuôi cấy từ tinh tử) được bơm vào trứng và nuôi trong ống nghiệm 3 ngày rồi bơm vào buồng tử cung của người vợ, thế là quá trình mang thai bắt đầu. “Thực ra, chúng tôi chỉ thực hiện thêm một bước là nuôi cấy tinh tử. Còn tất cả các công đoạn sau đó sẽ được thực hiện như phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Chỉ có điều, họ là những người không có tinh trùng nên phải tiến hành nuôi cấy tinh tử trở thành tinh trùng”, PGS.TS Quản Hoàng Lâm - Giám đốc Trung tâm công nghệ phôi (Học viện Quân y) - nhớ lại ca ra đời bằng kỹ thuật nuôi cấy tinh tử thành tinh trùng để tạo thành phôi trong ống nghiệm đầu tiên tại Trung tâm công nghệ phôi (Học viện Quân y).

Không phải trường hợp nào không có tinh trùng đến nuôi cấy đều thành công. Tỉ lệ thành công của những trường hợp nuôi cấy tinh tử tại trung tâm chỉ chiếm 10%. Có nhiều người thực hiện tới lần thứ ba cũng thất bại vì tinh tử quá yếu. May mắn đã mỉm cười với vợ chồng anh C, thai đã thụ. Một bé gái bụ bẫm nặng 3,2kg chào đời. Bé được đặt tên là Lưu Ngọc M. Hạnh phúc vỡ òa với cả gia đình bệnh nhân và bác sĩ. Hiện bé M phát triển mạnh khỏe, bình thường như bao đứa trẻ sinh ra bằng phương pháp tự nhiên.

Tiếp sau ca đầu tiên, nhiều em bé đã được ra đời bằng kỹ thuật này. Theo PGS.TS Quản Hoàng Lâm, nhiều cặp vợ chồng gặp hoàn cảnh khó khăn trong việc sinh con mà nguyên nhân được xác định là do người chồng. Có cặp biết lý do mình “quân yếu” nhưng có người không biết nguyên nhân từ đâu.

Có một cặp vợ chồng rất đáng thương. Họ kết hôn từ năm 2003 mà đến nay vẫn không có con. Lỗi là do anh - một người đàn ông nhìn bề ngoài mạnh mẽ nhưng chẳng hiểu vì sao không thể có con được. Sau nhiều năm, hai vợ chồng đã tốn rất nhiều tiền để mong có được một đứa con song đều vô vọng. Cả hai cố gắng đi chơi, đi du lịch cho khuây khỏa nhưng không gì có thể xoa dịu nỗi buồn của họ bằng tiếng khóc của trẻ thơ. Anh đã suy nghĩ rất nhiều và bắt đầu có ý muốn giải thoát cho vợ. Rồi hai vợ chồng ly hôn. Những tưởng người vợ sẽ tìm được hạnh phúc, nhưng hơn 2 năm trôi qua, cả hai vẫn ở vậy vì họ còn yêu nhau. Cuối cùng, hai vợ chồng quyết định nhờ các bác sĩ trung tâm công nghệ phôi giúp đỡ.

PGS.TS Quản Hoàng Lâm với “gia tài” của trung tâm công nghệ phôi, nơi giúp bao cặp vợ chồng hiếm muộn.

 

 

 

Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra

Nhiều cặp vợ chồng hãm không được nhưng có nhiều gia đình mong mãi mà không có, biết bao gia đình tan nát chỉ vì không có tiếng trẻ bi bô. Tình trạng vô sinh ở nước ta ngày càng có chiều hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Với nữ, nguyên nhân là do vô sinh nguyên phát (như không có kinh, không rụng trứng, buồng trứng đa nang, dị dạng cơ quan sinh sản...) và vô sinh thứ phát (do viêm nhiễm tử cung, vòi trứng, gây ứ nước, ứ mủ vòi trứng, hoặc suy buồng trứng sớm...). Với nam, vô sinh chủ yếu là do tinh trùng yếu, ít hoặc không có tinh trùng. 

Nguyên nhân của nhóm đàn ông không có tinh binh có thể do số lượng và chất lượng tinh trùng quá ít và yếu; hình thái tinh trùng bất thường (không có đầu hay đuôi). Trong số này, có khoảng 10% đàn ông không có tinh trùng. Theo PGS.TS Lâm, trong nhóm đàn ông không có tinh trùng được chia làm hai loại: Tắc đường ống dẫn tinh (do từng mắc các bệnh đường sinh dục như lậu, giang mai hay bị dị tật bẩm sinh) và 50% rối loạn sinh tinh.

“Trong số mẫu tinh tử đã bị thoái hóa vẫn có một số tinh tử có thể “cấy đuôi” để thành tinh trùng. Đầu tiên, các bác sĩ lấy các tế bào dòng tinh (tinh tử) để nuôi cấy, phân lập, tạo ra các tế bào mới có khả năng thụ tinh. Tiếp đó, bơm tinh trùng trưởng thành vào bào tương của trứng, tạo thành phôi rồi đặt vào tử cung người vợ. Trước khi tiến hành nuôi cấy tinh tử, người chồng được theo dõi và cho dùng thuốc từ 3 - 6 tháng liên tục. Kết thúc quá trình này, đúng ngày rụng trứng của người vợ, các bác sĩ sẽ tiến hành mổ mảnh tinh hoàn, lấy khoảng 100-200 tế bào dòng tinh, nuôi cấy ở môi trường đặc biệt trong thời gian 24 giờ. Sau đó chọn một tinh tử đã mọc đuôi để tiêm thẳng vào buồng trứng. 

Bệnh nhân phải đạt 3 tiêu chuẩn mới được chấp nhận điều trị bằng kỹ thuật nuôi cấy tinh tử, đó là: Có rối loạn sinh tinh đến giai đoạn hình thành tinh tử; sức khỏe tốt, không mắc các bệnh di truyền, truyền nhiễm (HIV, viêm gan B…); được khám, xét nghiệm và dùng thuốc kích thích sinh tinh từ 3 - 18 tháng. Nếu nuôi không đạt, phải làm lại từ đầu”, PGS.TS Lâm nói rõ hơn về kỹ thuật nuôi cấy tinh tử.

Mặc dù đấng mày râu có khả năng sinh tinh từ năm 16 tuổi cho đến hết đời, nhưng quan trọng là chất lượng “hàng” thế nào. Sẽ là vô nghĩa nếu chúng chỉ là những hình tròn vo, không đầu, không đuôi. Có biết bao số phận, mỗi người một hoàn cảnh éo le khác nhau. Có nhiều cặp vợ chồng đáng lẽ đã lên tuổi ông bà cũng đưa nhau vào đây với hy vọng rất mong manh. Tuy nhiên, ở những cặp đã quá cao tuổi, tỉ lệ thành công rất thấp. “Chúng tôi phải làm các xét nghiệm rồi tư vấn xem các cặp nào nên làm, cặp nào không”, PGS.TS Lâm nói.

Cũng theo PGS.TS Quản Hoàng Lâm, những người đàn ông có các bệnh lý sau không nên thực hiện nuôi cấy tinh tử như: Tinh hoàn suy teo với kích thước dưới 5ml (thể tích tinh hoàn của người bình thường là 12-25ml); không có cả tinh tử, bệnh toàn thân nghiêm trọng như ung thư, suy tim, suy thận… Nếu các cặp làm thụ tinh bằng kỹ thuật nuôi cấy tinh tử quá 3 lần không thành công thì nên dừng thực hiện. Vì việc sinh thiết tinh hoàn sẽ gây xơ tinh hoàn và gây đau đớn cho người đàn ông. 

Các gia đình cũng lo lắng “liệu đứa bé là trai sinh ra từ người bố không có tinh trùng có bị ảnh hưởng tương lai không?”. PGS.TS Quản Hoàng Lâm cho biết, có khoảng 2-5% những đứa trẻ sinh ra bị di truyền từ người bố. Trong 5 đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh từ phương pháp nuôi tinh tử, có một bé trai. Đến thời điểm này, bé trai này đã được gần một tuổi và vẫn phát triển bình thường, tỉ lệ tinh hoàn như những đứa bé bằng độ tuổi.

Cũng theo PGS.TS Hoàng Lâm, đến nay những đứa trẻ sinh ra bằng phương pháp này không có vấn đề gì bất thường về hình thể, về trí tuệ và sức khỏe. Y học ngày càng phát triển, mở ra nhiều tia hy vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp nuôi cấy tinh tử là cháu Lưu Ngọc M (tháng 12.2007), đến nay rất khỏe mạnh và phát triển bình thường như các bạn bè khác cùng trang lứa.

Lệ Hà

 

TIN MỚI